Người đưa đò thầm lặng…

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:48, 04/01/2015

(HNM) - Nếu ví các nhà giáo là những người lặng lẽ đưa đò chở khách qua sông... thì Nhà giáo Ưu tú Đỗ Khắc Phượng đã thầm lặng chở

Nhà giáo Ưu tú Đỗ Khắc Phượng là mẫu người kiệm lời nhưng sâu sắc. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp thầy Phượng. Thầy lộ rõ vẻ ái ngại, ngượng ngùng khi tiếp xúc báo giới, chỉ đơn giản là cảm thấy công sức của mình còn quá bé nhỏ và ít ỏi so với những người lính ở miền biên ải xa xôi. Không cầu kỳ, câu nệ…, chúng tôi ra ngồi ghế đá, giữa sân trường trò chuyện. Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu bằng hồi ức xưa cũ của thầy Phượng. Ngày đó là năm 1980, thầy giáo Đỗ Khắc Phượng, quê Thái Bình, giáo viên môn địa lý ra trường lên công tác tại miền núi Lai Châu (nay là Điện Biên) và được Ty Giáo dục Lai Châu phân công về giảng dạy tại Trường Bồi dưỡng giáo viên ở Tuần Giáo (sau sáp nhập thành Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên). Đến năm 1983 thầy Phượng chuyển công tác về Trường cấp III, huyện Điện Biên (nay là Trường THPT TP Điện Biên Phủ), rồi được "cất nhắc" lên làm chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên.

Nhà giáo ưu tú Đỗ Khắc Phượng (bên phải) nhận bằng khen của ngành giáo dục Điện Biên.


Nếu con người ta cứ sống mãi trong một môi trường, đi mãi trên một con đường… đi riết rồi thành quen, thành thử đoạn đường cũng chẳng có gì thú vị, trừ phi chọn một lối rẽ khác… Khi ấy, họ mới cảm nhận được, đâu là con đường mình cần chọn, đâu là con đường để đưa họ đến đích… Đích của cuộc đời và đích của sự nghiệp. Cũng chính vì vậy, sau 3 năm làm chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Điện Biên (từ năm 2001-2004), thầy Đỗ Khắc Phượng nhận thấy: "Không thể rời xa học sinh, rời xa bục giảng, bởi có những lúc cảm thấy hụt hẫng vô cùng, nhiều đêm mơ thấy cảnh đi dạy học… rất nhớ nghề, nhớ trường và nhớ học sinh… Năm 2004, tôi làm đơn xin lãnh đạo Sở trở lại trường dạy học, dù biết rằng giáo viên là vất vả" - thầy Phượng kể.

Suốt quãng thời gian làm chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên, thầy Đỗ Khắc Phượng được giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn địa lý của địa phương và hầu như mùa thi nào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của thầy cũng đoạt giải. Điển hình là năm 2003, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của thầy có 8 em tham dự thì 7 em đoạt giải, trong đó, 2 em đoạt giải ba là người dân tộc Mông.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau, thầy nheo mắt nhìn về phía học sinh đang nô đùa, vẻ mặt rất tâm trạng rồi chợt buông một câu rất gọn, nhỏ: Đến năm 2018 là mình nghỉ hưu, nhanh thật. Rồi thầy kể về những kỷ niệm vui buồn trong suốt 34 năm đứng lớp. "Năm tôi mới ra trường, tuổi đời còn trẻ chính vì vậy mà nhận thức còn nông cạn. Có cậu học trò người dân tộc Thái hỏi ý kiến tôi, em định thi vào trường quân đội vì cậu ta rất yêu thích môi trường quân sự. Bằng con mắt sốc nổi của tuổi trẻ, mình đã khuyên cậu học trò ấy không nên thi vào trường quân sự sợ khi ra trường phải lặn lội ở vùng biên ải xa xôi, vất vả mà nên thi vào những trường học ngành sau này làm công chức cho nhàn hạ. Thật khổ. Cậu học trò ấy đã nghe mình không thi vào trường quân đội, nhưng cậu ấy cũng không thi vào trường nào cả. Chỉ đơn giản là cậu chỉ thích môi trường quân đội. Hôm vừa rồi gặp, cậu ấy "khoe" đã làm đến chức xã đội trưởng. Tôi cứ ân hận mãi vì lời khuyên bồng bột năm nào".

Nói xong thầy Phượng cười buồn, dõi mắt xa xăm.

Tôi chủ động hỏi chuyện nhưng thầy im lặng hồi lâu mới kể tiếp: Có câu chuyện này tôi cũng không định nói ra, nhưng tôi sẽ kể để em nghe. Câu chuyện về một cậu học trò người Mông ở Tủa Chùa. Họ thì tôi không nhớ, chỉ nhớ tên là Lềnh. Cách đây không lâu, năm 2010, Lềnh học đến lớp 12 nhưng lại có ý định bỏ học, về nhà nuôi mẹ. Mẹ cậu già yếu, đang ở một mình, không ai chăm sóc, nên cậu thương mẹ muốn về phụng dưỡng. Thương học trò còn một năm nữa là tốt nghiệp, thật uổng phí nếu bỏ giữa chừng… nên bàn với thầy giáo Phạm Văn Hùng, nguyên phó hiệu trưởng lúc bấy giờ, đưa ra "thượng sách": Cho Lềnh về nhà lấy vợ, để vợ ở nhà chăm sóc mẹ, còn Lềnh đi học tiếp. Cũng phải nói thêm, ở quê của Lềnh, chuyện lấy vợ trước 18 tuổi là bình thường, nếu Lềnh không đi học có lẽ cũng đã lấy vợ lâu rồi.

Nghĩ là làm, tôi gọi Lềnh lại và hỏi: "Ở nhà có cô gái nào thích em không?". Lềnh thật thà tâm sự, có một cô gái cũng thinh thích, về hỏi cưới chắc là được. Chính vì vậy, tôi đã giục Lềnh viết đơn xin nghỉ về nhà giải quyết việc riêng, sau một tuần trở lại trường. Lấy vợ xong Lềnh trở lại trường học, cả tôi và em đều thấy yên tâm về giải pháp đó. Dù rất tin Lềnh nhưng tôi vẫn lo xa căn dặn Lềnh: Vợ cậu ở nhà làm nương nuôi mẹ sẽ vất vả, nên rất nhanh già, xấu. Sau này cậu học lên cao đừng bỏ người ta… Lềnh nắm tay tôi và hứa sẽ không bao giờ làm vậy. Vừa rồi, Lềnh trở lại trường tìm tôi và cho biết, hiện đang làm xã đội trưởng ở tại xã của mình. Vợ chồng đã có cậu con trai 2 tuổi, bà mẹ vẫn khỏe và họ sống vui vẻ hạnh phúc. Nghe vậy, tôi thấy nhẹ cả người bởi quyết định "xui dại" năm nào.

Lúc này, thầy Phượng bật cười thành tiếng, đôi mắt ánh lên tự hào. Thầy cho biết: Học sinh ở đây toàn bộ là đồng bào các dân tộc ở nơi xa về học, nhiều em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng rất tình cảm! Nghề giáo viên như những "người lái đò" chở khách sang sông. Với tình cảm sâu sắc của học sinh khó khăn vùng cao dành cho, trách nhiệm của "người lái đò" càng nặng nề hơn. Hết cả một đời vì nghề, tôi thấy mình đã lựa chọn hướng đi đúng, bởi những niềm vui nỗi buồn của học trò làm tôi thấy mình thật xứng đáng khi được các em tin tưởng, chia sẻ, tin yêu. Nếu được lựa chọn lần thứ hai, tôi vẫn chọn làm "người lái đò" chở khách sang sông.

Bài, ảnh: Trần Hương