Văn hóa Đông Sơn đậm đặc ở khu vực thành cổ Luy Lâu

Văn hóa - Ngày đăng : 07:07, 03/01/2015

(HNM) - Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa phối hợp với Sở VH-TT&DL Bắc Ninh đã công bố kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Chiếc cầu đá 2000 năm tuổi là một trong số rất ít chứng tích hiện còn của thành cổ Luy Lâu.
Ảnh: Báo Bắc Ninh



Dựa trên kết quả khai quật, các nhà khoa học bước đầu nhận định, thành cổ Luy Lâu được xây dựng ở vị trí sông Dâu (một nhánh cả sông Hồng), gồm 2 vòng thành chủ yếu là thành Nội và thành Ngoại. Thành Ngoại có tổng chiều dài gần 1.700m, cách xây lắp tường thành phía bắc làm hướng chính, rất giống với cách thức xây dựng các khu đô thành và đô thị ở Trường An, Lạc Dương thời Hán. Thành Nội trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, trong đó lũy thành và các kiến trúc ban đầu được xây dựng vào thời Hán, đến thời Tam Quốc - Ngụy Tấn - Nam Triều - Tùy Đường chỉ tu bổ, xây lắp thêm… Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã xuất lộ một số lượng lớn gạch gói, các hiện vật đúc đồng và mảnh khuôn đúc trống Đông Sơn… Đó là những bằng chứng xác thực khẳng định văn hóa thời Đông Sơn từng tồn tại, phát triển rực rỡ ở Luy Lâu…

Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ (thời Hán), tập trung đông dân cư, kinh tế sầm uất. Tuy nhiên, thành cổ Luy Lâu được xây dựng như thế nào, khu vực này phát triển ra sao để trở thành nơi đô hội đứng đầu khu vực Đông Á… là những câu hỏi nhiều năm chưa có câu trả lời.

Minh Ngọc