Khẳng định sức vươn của nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 01/01/2015
Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch XK cả nước năm 2014 đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16% so với kế hoạch và tăng 13,6% so với năm trước. Kết quả này tiếp tục khẳng định sức vươn của nền kinh tế nói chung và của đội ngũ DN nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, nhờ XK tăng cao hơn nhập khẩu nên cả nước đã xuất siêu gần 2 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 73,5%, tăng 1,6% so với năm ngoái. Đặc biệt, hoạt động XK của DN trong nước đã có sự hồi phục đáng kể, với mức tăng 10,4% (năm trước tăng 3,5%). Danh sách hàng XK đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD tiếp tục dài thêm, với sự góp mặt của 23 mặt hàng. Điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất với giá trị hơn 24 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ XK hàng đầu thế giới. Tiếp theo là những mặt hàng chủ lực gồm dệt may, da giày, đồ gỗ, cà phê… Bộ Công thương khẳng định, việc XK sang các thị trường truyền thống vẫn được giữ vững, hàng Việt vẫn hiện diện vững chắc tại các thị trường khó tính, giàu tiềm năng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Tuy đạt kết quả ấn tượng nhưng hoạt động XK vẫn ẩn chứa một số hạn chế cần khắc phục sớm. Đó là phần đóng góp của DN nội chỉ chiếm tỷ trọng 1/3 tổng kim ngạch XK cả nước. Một số mặt hàng XK còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Sản phẩm dệt may, da giày, thủy sản tuy có kim ngạch lớn nhưng thực lãi và giá trị gia tăng tính trên mỗi sản phẩm chưa cao. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, lại càng khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2015, Bộ Công thương dự kiến sẽ đạt tổng kim ngạch XK 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Để đạt mục tiêu này, Bộ chủ trương tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN trong tiếp cận và xử lý thông tin thị trường; cảnh báo nguy cơ, nhất là vấn đề tranh chấp thương mại với DN nước ngoài; phối hợp với địa phương trong việc khuyến khích các đơn vị xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh XK. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững và tăng cường XK vào thị trường truyền thống, cần lưu ý chủ động khai thác thị trường mới ở khu vực Tây Á, Nam Mỹ. Các đại diện thương mại kịp thời nắm bắt tình hình, nhất là thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý, quy định về chất lượng hàng hóa để hỗ trợ DN, phòng tránh thiệt hại. Công tác tuyên truyền được quan tâm nhằm thắt chặt quan hệ giữa Bộ và các hiệp hội ngành hàng XK, lan tỏa đến từng DN.