Sáng rõ một vùng nông thôn mới
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 01/01/2015
"Bắt đất"… sinh lời
Những ngày cuối của năm cũ cũng là lúc Hà Nội chìm trong giá rét. Chúng tôi gặp anh nông dân Kiều Bình Thanh, nhà ở cụm 1, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, chứng kiến khu trồng hoa bạt ngàn trên đồng Tảy được che chắn cẩn thận bằng hệ thống nhà lưới hiện đại và nghe chuyện "làm ruộng, đổi đời" của gia đình anh. Với diện tích được giao 5 sào, anh bố trí trồng nhiều loại hoa như: Ly, loa kèn, cúc, đồng tiền… để lúc nào cũng có hoa thu hoạch. Anh khoe, gia đình vừa đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng hoa. Ở đây, tất cả hệ thống tưới, tiêu cho hoa đều được điều khiển tự động. Nhờ vậy, anh có thể chủ động được về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm để cây sinh trưởng tốt nhất. Quả thực, nếu như trước đây hoa loa kèn chỉ được trồng và thu hoạch vào tháng 4 hằng năm thì hiện nay loài hoa này được trồng bất cứ lúc nào mà vẫn cho chất lượng tốt. Với diện tích trồng hoa được đầu tư hạ tầng như trên, mỗi năm, anh Thanh thu về 200 triệu đồng tiền lãi, so với trồng lúa trước đây tăng gấp vài chục lần.
Anh Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) làm giàu từ hoa. |
Không riêng gì gia đình anh Kiều Bình Thanh, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã và đang xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn thành phố. Trên các cánh đồng đã hình thành các vùng chuyên canh, đa canh quy mô lớn như trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi tập trung… Tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, trên diện tích đồi gò rộng khoảng 22ha, gia đình anh Nguyễn Văn Toản đã dành 5ha xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng công nghiệp. Với số lượng khoảng 6.000 thỏ sinh sản, cấp giống cho các trang trại khác trong chuỗi liên kết cung cấp thịt sang thị trường Nhật Bản, EU, doanh thu của trang trại đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2014, giá trị canh tác/ha diện tích canh tác trên địa bàn thành phố đã đạt 231 triệu đồng. Thành công trên nhờ bước ngoặt lớn sau khi Hà Nội cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa; xây dựng hàng loạt quy hoạch, đề án phát triển sản xuất cả trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; triển khai mạnh việc hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại 21 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp. Với cơ chế hỗ trợ mua máy móc của thành phố và sự hỗ trợ của các huyện, thị xã, đã có hàng nghìn máy nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy gieo cấy, làm đất… được mua mới, giúp công việc của người nông dân đỡ vất vả hơn, hiệu quả sản xuất cũng nâng lên rõ rệt góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 6%/năm.
Làng quê tươi sáng hơn
Nếu như năm 2010, khi cả người dân và cán bộ đều còn rất "mơ hồ" về NTM, chưa biết hình hài, bước đi cách làm thế nào để đạt được thì sau 4 năm triển khai, đến nay Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM với 50 xã đã được công nhận và con số này vào thời điểm cuối năm đã là 110. Tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, thời điểm này nhà nhà đang rục rịch chuẩn bị những bao gạo thơm ngon nhất, lựa những thùng đậu tốt nhất chuẩn bị cho mùa làm bánh chưng Tết. Trưởng thôn Tranh Khúc Lý Thị Thiệp cho biết, từ khi phát triển mạnh nghề truyền thống, kinh tế của hầu hết gia đình trong thôn đều khá lên, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 26 triệu đồng/năm. Trong số 215 hộ dân, hộ nghèo chỉ còn 5 hộ, hộ giàu ngày một tăng nhanh. Làng quê đã có sự "thay da đổi thịt", phong trào xây dựng NTM đã khiến bộ mặt nông thôn gọn gàng, nền nếp hơn, những ngôi nhà khang trang, bề thế được xây dựng ngày một nhiều. Ở huyện Ba Vì, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt từ xấp xỉ 20% cách đây 4 năm nay chỉ còn dưới 5%; số hộ khá, hộ giàu ngày một tăng. Tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, đứng trên đê hữu Hồng nhìn ra xa là những khu làng mạc sầm uất, những ngôi nhà đẹp không khác nào biệt thự ở đây không hiếm. Chủ tịch UBND xã Phương Văn Liểu cho biết, thành quả đó là do các hộ nông dân đã năng động phát triển mạnh ngành nghề như trồng nấm, làm mộc, chăn nuôi, cơ khí…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 02, tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố đã đạt trên 21,1 nghìn tỷ đồng. Nguồn kinh phí lớn đó đã được đầu tư cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn với hàng trăm nghìn kilômét đường giao thông được sửa chữa, làm mới; hàng nghìn nhà văn hóa thôn, làng được xây dựng; hàng trăm trạm y tế, trường học được đầu tư khang trang để con em nông dân được học tập trong những môi trường tốt hơn, người dân nông thôn có cơ hội chăm sóc sức khỏe hơn… Và hơn cả là sự đầu tư vào đồng ruộng để công việc của nhà nông bớt nhọc nhằn; những mô hình sản xuất hay, mới ngày một nhiều, giúp người dân xóa dần đi nếp làm ăn cũ, lạc hậu, hiệu quả thấp.
Nông thôn đã khoác lên mình tấm áo mới khi không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt.
Theo tính toán, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 172.850 hộ (năm 2011) xuống còn 28.528 hộ (năm 2014), tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 2,89% năm 2014. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 28,6 triệu đồng (năm 2014). |