Để thấy thương những thăng trầm Hà Nội!
Sách - Ngày đăng : 06:53, 01/01/2015
Bìa tiểu thuyết “Cậu ấm” của nhà văn Trần Chiến. |
Một không gian trải dài. Nếu như lấy nhân vật chính - cậu ấm Vận - làm điểm nhìn thì ngược về quá khứ là đời bố, đời ông của Vận cùng một không gian những níu kéo, cột buộc con người của làng quê Bắc bộ. Tiếp theo là đời Vận và đến đời con của Vận ở Hà Nội với những biến cố từ sau cuộc cách mạng giành độc lập và mang lại hòa bình ở miền Bắc...
Bối cảnh rộng quá, sức tưởng tượng, tập hợp không hề nhỏ. Chỉ riêng việc nhặt nhạnh, sắp xếp các chi tiết cho 4 đời nhân vật với biết bao sự việc riêng, chung thôi đã mệt lắm rồi.
"Cậu ấm" - nhân vật chính như định danh thì rõ ràng là một "tính cách" một "số phận" đặc trưng của thị dân Hà Nội. Góc tiếp cận này (thông qua Vận và các nhân vật xung quanh cậu) tự nó sẽ "tải" được nhiều nhất những tâm tư sâu thẳm của một đô thị vốn hình thành và phát triển nhờ đặc trưng hội tụ, kết tinh trong cuộc chuyển đổi, va đập cũ - mới. Phải nói điều này, cho dù không phải khi nào nó cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng tác phẩm, rằng nhà văn Trần Chiến là một người Hà Nội từ máu thịt, người của những phố cổ và những tính cách không lẫn vào đâu được của đất Hà thành... Sẽ không lạ khi cuốn tiểu thuyết này dựng lại một giai đoạn nhất định của không gian "đậm" chất Hà Nội cho cả những người đã từng sống hoặc chưa từng sống ở đất này.
Và một trong những trang viết như thế là những trang viết đầu tiên. Có điều gì đó phơi phới tràn ngập lòng người khi Hà Nội ở giữa không khí đất nước vừa độc lập. Trần Chiến dựng lại khung cảnh ấy tài tình như một nhà làm phim với những toàn cảnh, trung cảnh và cận cảnh. "Bao nhiêu ban công thì ngần nấy gia đình có mặt, tay lớn tay bé thi nhau vẫy như vòm lá cả gió. Cửa sổ trổ ra đường vốn im ỉm, hàng phố chả biết ai ai bên trong thế nào, giờ mở ra như con mắt trẻ thơ háo hức...".
Nếu nói nhân vật thành công nhất thì theo người viết lại không phải là nhân vật chính. Ở đây Vận đã thể hiện vai trò làm nền tốt đến mức đẩy rất nhiều nhân vật quanh anh trở nên ấn tượng không sao quên được, từ cô vợ người Hàng Buồm tưởng nhu mì mà hóa ra mạnh mẽ ghê gớm, hay ông Thản bố Vận, bà Hiền Thục mẹ Vận đại diện cho những thế hệ của những người Hà Nội. Rồi Chiêm, và cả vợ chồng Tứ nữa, những con người cụ thể với những ấu trĩ ta từng thấy, từng gặp trong chính mình và trong cộng đồng... Trần Chiến luôn nhìn mọi thứ ở chiều sâu nhân bản, văn hóa. Nghĩ là từ số phận, tính cách cụ thể của Vận, người lúc nào cũng vương vào những thứ "ở giữa" mà phô bày một cách sinh động những góc khuất tâm hồn, thời thế và cái tận cùng của quan hệ nhân sinh. Tình vợ chồng, chuyện yêu đương không chỉ có quan niệm đạo đức, chung thủy thông thường mà sâu hơn là sự hòa hợp, đồng điệu của tâm hồn.
Ngôn ngữ của "Cậu ấm" là một thứ đặc sắc vừa lôi cuốn, sang trọng vừa thách đố người đọc. Trần Chiến có lối hành văn như vậy, chắc nịch, không thừa thãi, lại nhiều độ nén và cư xử như thể người nghe thân tình lắm hoặc giả như đang đối ẩm với ông. Song hình như chính vì thế mà kén người đọc chăng và đôi khi làm cho mạch tiếp nhận tác phẩm có sự phân tán?
Lại nhớ đến Hội sách lần đầu tiên của Hà Nội năm 2014, có ý kiến cho rằng có một dòng văn chương thị dân Hà Nội. Có hay chưa và hình thành đến đâu thì có lẽ phải để dành các nhà phê bình văn học trả lời nhưng chắc chắn trong dòng văn chương ấy nếu có thì Trần Chiến là một trong những giọng văn tiêu biểu!