Bóng đá Việt Nam: Vẫn còn có niềm tin

Thể thao - Ngày đăng : 06:48, 01/01/2015

(HNM) -

Công Phượng (10) - một trong những tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Nhật Nam



Những gam màu sáng, tối

ĐT U23 quốc gia vào tứ kết, ĐT Bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên lọt vào bán kết tại ASIAD 17-Incheon 2014. ĐT Bóng đá quốc gia vào đến bán kết AFF Cup 2014. Lứa cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là U19 Học viện HAGL - Arsenal thi đấu chững chạc, tự tin trước nhiều đối thủ sừng sỏ… - Đó là những điểm sáng đáng kể trong bức tranh toàn cảnh về bóng đá Việt Nam mùa giải 2014. Tuy nhiên, những gam màu sáng ấy dường như chưa đủ khỏa lấp những gam màu xám khi nhiều mục tiêu trọng yếu không được hoàn thành. Thứ nhất là U19 Việt Nam, dù được đầu tư mạnh tay nhưng chỉ thành công khi thi đấu ở giải mời, giải giao hữu, thường thất bại ở mục tiêu chính, không thể giành vé dự VCK U20 thế giới. Thứ hai, ĐT Bóng đá nữ Việt Nam không giành được vé tham dự World Cup 2015 dù chỉ phải cạnh tranh suất vé play-off với đối thủ "đồng cân đồng lạng" Thái Lan ngay trên sân nhà (TP Hồ Chí Minh), bỏ lỡ cơ hội "ngàn năm có một". Thứ ba, dù rằng ĐT Bóng đá quốc gia lọt vào đến bán kết AFF Cup 2014 nhưng trận thua ngay tại sân nhà Mỹ Đình trước ĐT Malaysia đã để lại dư vị cay đắng, không xứng với niềm tin và sự kỳ vọng của người hâm mộ. Và thứ tư, việc lần lượt các cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai "nhúng chàm" vì dàn xếp tỷ số, đánh bạc đã phủ một màu xám xịt lên V-League 2014 và cả nền bóng đá, khiến người hâm mộ mất lòng tin vào bóng đá Việt Nam.

Nhen nhóm niềm tin

"Cần phải nhìn rõ tính hai mặt của vấn đề. Như U19 Việt Nam, việc họ không thể giành vé dự VCK U20 thế giới cũng dễ hiểu bởi đối thủ U19 Hàn Quốc, U19 Nhật Bản, U19 Trung Quốc đều quá mạnh. Điều cần thấy là chúng ta đã có một lứa cầu thủ trẻ được đầu tư bài bản theo mô hình khoa học của một CLB danh tiếng Châu Âu. Lứa đầu tiên của U19 Học viện HAGL - Arsenal đã cho thấy hiệu quả của một mô hình đào tạo hiện đại. Họ chơi đẹp, phong cách khá chuyên nghiệp, có thể thi đấu ngang ngửa với nhiều đối thủ sừng sỏ. Đó xứng đáng là một hiện tượng, đáng để các nhà quản lý và chuyên môn cân nhắc nhân rộng mô hình" - Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhận xét.

Những chuyển động tại một vài trung tâm bóng đá lớn cho chúng ta niềm hy vọng vào môn thể thao vua trong năm 2015. Ông Phan Anh Tú nói: "Hà Nội từ trước đến nay đều là trung tâm mạnh về đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, bóng đá chuyên nghiệp Hà Nội với đại diện là Hà Nội T&T rất có tham vọng, thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu giải chuyên nghiệp mấy năm qua. CLB Bóng đá Hà Nội, hiện được giao cho HLV trẻ Đức Thắng dẫn dắt, cũng đã rõ tiềm năng. Nhằm đẩy mạnh đào tạo trẻ một cách khoa học và chuyên nghiệp, chúng tôi đã có những tiếp xúc ban đầu với Inter Milan và một số CLB Châu Âu khác. Nhưng, để có được sự hợp tác thành công, những Trung tâm Đào tạo như Hà Nội, SLNA, Viettel… rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ VFF".

Nói thêm về "hiện tượng U19 HAGL", chuyên gia Phan Anh Tú phân tích: "Việc HAGL nhấc lứa U19 tham dự V-League 2015 có tính hợp lý của nó. Sự thành - bại phụ thuộc vào nhà cầm quân. Vấn đề cần quan tâm là không nên sử dụng cầu thủ trẻ theo kiểu "vắt chanh", chưa đủ độ chín đã ép các em thi đấu đến cạn tài, cạn sức".

Khách quan mà nói, năm 2014, với ĐT U23 quốc gia và ĐT Bóng đá quốc gia, HLV T.Miura đã để lại dấu ấn ban đầu rất rõ nét trong lối chơi, tính kỷ luật và bước đầu xây dựng nền tảng thể lực cho các cầu thủ. Mới qua 6 tháng giữ cương vị HLV trưởng, vị HLV trẻ người Nhật Bản đã cho thấy một cách làm căn cơ, chặt chẽ từng bước và tính khoa học trong việc sử dụng cầu thủ, trong đó ông đặc biệt tin dùng và sẵn sàng tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ. ĐT Việt Nam có thể chưa có thành tích trong một sớm một chiều, nhưng những bước đi ban đầu của HLV T.Miura đang tạo được sự đồng thuận và bắt đầu vực dậy niềm tin vào sự khởi sắc của bóng đá Việt Nam trong các năm tới.

Với ĐT Bóng đá nữ quốc gia, tuy chúng ta luôn ở trong nhóm đầu khu vực nhưng chưa tạo được sự vượt trội. Vấn đề đặt ra là cần thay đổi cách xây dựng nền tảng lực lượng cho ĐT. Hiện nay, số CLB bóng đá nữ ở Việt Nam còn ít, Giải VĐQG bóng đá nữ mỗi năm quanh quẩn chỉ có 6 đội, trong đó riêng Hà Nội đã chiếm 2 đội. Như vậy, nếu lấy quân lên tuyển mà chỉ dựa vào các CLB thì lực lượng để tuyển chọn sẽ rất mỏng. Từng nắm giữ cương vị Trưởng ban Bóng đá nữ VFF, ông Phan Anh Tú khẳng định: "Hiện nay, VFF đã chuyển hướng, trực tiếp tham gia vào khâu đào tạo bóng đá nữ trẻ, bảo đảm tuyển chọn các cầu thủ có đủ tố chất tốt. Họ sẽ được tập huấn tập trung ngay tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, dưới sự huấn luyện của chuyên gia giỏi. Đó là việc làm cần thiết, và theo thời gian, chúng ta có quyền hy vọng vào một ĐT nữ quốc gia có nền tảng thể lực, được đào tạo khoa học và bài bản".

Bên cạnh đó, muốn bóng đá Việt Nam thực sự khởi sắc, một yếu tố quan trọng là phải từng bước nâng chất lượng V-League và các giải chuyên nghiệp khác. Có thể hy vọng vào sự khởi sắc ở V-League 2015 khi vấn đề tài chính cho công tác tổ chức đã được bảo đảm nhờ sự vào cuộc của Toyota. Với giải hạng Nhất và Cúp quốc gia, lãnh đạo Công ty Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp (VPF) cho biết đã đạt được thỏa thuận bước đầu với các nhà tài trợ. Việc giới hạn số lượng ngoại binh (mỗi CLB chỉ được sử dụng 2 ngoại binh trong 1 trận) chắc chắn sẽ tạo nhiều "đất diễn" hơn cho các cầu thủ nội sớm trưởng thành.

Mai Hoa