Cuộc chiến quyền lực xung quanh giá “vàng đen”

Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 01/01/2015

(HNM) - Tháng 3-2014, một tháng sau sự ra đi của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, Nga đã chính thức sáp nhập bán đảo Crimea bằng một thỏa thuận với lãnh đạo vùng đất mà ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Nga.


Có rất nhiều lý do từ địa chiến lược cho đến văn hóa, chủng tộc… thúc đẩy Mátxcơva ký kết văn bản khiến nước Nga phút chốc trở thành "kẻ bên kia chiến tuyến" với quốc gia láng giềng Ukraine lẫn một liên minh hùng hậu gồm cả Châu Âu và Mỹ. Lúc bấy giờ, ngoài những tuyên bố trừng phạt lẻ tẻ và có vẻ như không mấy gây ấn tượng, phương Tây xem ra hoàn toàn bất lực trước sự quyết đoán và thế thượng phong của Tổng thống Vladimir Putin. Cho đến khi giá dầu thô không thể hãm phanh đà lao dốc nhanh như tên bắn khỏi mốc quanh 100 USD/thùng từ tháng 6, dư luận mới bắt đầu cảm nhận được sức nóng khốc liệt của một cuộc chiến ngầm, phía sau tiếng pháo cối và súng nổ ở miền Đông Ukraine.



Nhưng vẫn chưa có nhiều sự chú ý đến việc đồng ruble Nga lặng lẽ mất giá cùng với mỗi thùng dầu cứ vùn vụt rẻ đi trông thấy. Xu hướng cho thấy xứ sở Bạch dương đang đến gần một cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ chính thức lên đến đỉnh điểm vào ngày "Thứ ba đen tối" 16-12 khi chỉ trong một buổi chiều, đồng ruble mất tới 10% giá trị và Ngân hàng trung ương Nga phải cấp tốc nâng lãi suất cơ bản lên 17%. Một con số đáng báo động được đưa ra, đó là đồng nội tệ của Nga đã "bay hơi" 50% giá trị chỉ từ đầu năm đến nay. Mọi nguồn cơn bắt đầu từ chuyện Nga - một trong hai nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới bên cạnh Saudi Arabia - có tới hơn một nửa nguồn thu ngân sách đến từ việc bán dầu mỏ và khí đốt. Tính trung bình, cứ mỗi thùng dầu giảm đi 1 USD, ngân khố của Mátxcơva vơi 2 tỷ USD. Một sự cách biệt quá lớn về con số phần nào phản ánh mức độ tổn thương của nền kinh tế Nga trong đợt biến động dữ dội của giá dầu. Những ký ức không mấy vui vẻ của những năm 1980 - thời điểm cuộc Chiến tranh lạnh đang vào giai đoạn gay cấn - lại được tái hiện. Khi đó, giá dầu cũng rơi xuống thấp thảm hại, từ 30 USD/thùng xuống 12 USD/thùng năm 1985. Bất chấp phải tăng sản lượng để "bù lỗ", thâm hụt ngân sách của Liên bang Xô viết bấy giờ ngày càng bị nới rộng, từ 18 tỷ ruble lên đến 76 tỷ ruble năm 1990.

Nhìn lại quá khứ để nhận thấy nguy cơ của tương lai bởi lẽ những gì đang diễn ra dường như không khác nhiều so với các tình tiết của câu chuyện cũ. Thậm chí bây giờ, trận quyết đấu có phần khốc liệt hơn khi Mỹ với sự phát triển thần kỳ của công nghệ dầu đá phiến đã từ một quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu bên ngoài thành một ông chủ lớn trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ. "Vị thế mới về năng lượng của Mỹ cho phép chúng ta can dự dựa trên sức mạnh lớn hơn. Nó cũng là một công cụ mạnh mẽ để chúng ta theo đuổi và thực hiện các mục tiêu an ninh quốc gia", một quan chức Mỹ đã không giấu giếm những kế hoạch lâu dài của Washington như hệ quả của sự tự chủ năng lượng. Vậy để thấy rằng, dù có lên đến kỷ lục hay xuống thấp thê thảm, dầu thô vẫn xứng với tên gọi "vàng đen" vì giá trị của nó không chỉ gói gọn trong những đồng đô la, mà còn ở ý nghĩa chiến lược mà nó mang lại. So với cuộc chiến tranh dầu mỏ năm 1973 khi việc cấm vận dầu thô của các nước Arab đã khiến Mỹ rơi vào khủng hoảng nhiên liệu thì đến giờ, Mỹ đã thấm được bài học cũ, vận dụng nguồn dầu mỏ dồi dào như một thứ vũ khí đầy quyền năng để định hình chính sách đối ngoại và cách tiếp cận trong quan hệ quốc tế. Như thế, tất nhiên những đối thủ "cứng đầu" nhưng lại dễ bị "trọng thương" bởi nguồn nhiên liệu hóa thạch quan trọng nhất của nhân loại sẽ nằm trong bản "danh sách đen". Chiến thuật một mũi tên trúng nhiều đích đã tỏ ra vô cùng hiệu quả khi cùng với Nga, Iran và Venezuela cũng đang "sống dở chết dở" với tình trạng giá dầu thấp. Ước tính thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu đã giảm từ 118 tỷ USD năm 2011-2012 xuống 56 tỷ USD năm 2013-2014 trong khi kinh tế Venezuela đang suy sụp vì biến cố giá dầu. Caracas từ lâu đã là một địch thủ về tư tưởng của Mỹ ở Mỹ Latinh và Tehran cũng được biết tới như một hồ sơ khó giải quyết của Washington ở Trung Đông. Mở rộng ra, cả Iran và Nga lại trước sau như một nhiệt thành đứng bên cạnh chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Mỹ muốn đưa khỏi đời sống chính trị khu vực. Nói đến đây sẽ không thể không nhắc tới Saudi Arabia, "ông hoàng dầu lửa" của thế giới và cũng là một "đại ca" trên bàn cờ Trung Đông. Thực tế thì Chính phủ hoàng tộc Saud theo dòng Hồi giáo Sunni quyết không đội trời chung với hai đối thủ Shiite là Iran và Syria cũng như chẳng vui vẻ gì với việc Nga ngấp nghé soán ngôi chúa tể trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Vì thế mới xuất hiện những đồn đoán rằng Mỹ và Saudi Arabia là đồng tác giả của đợt sụt giảm của giá dầu lần này vì cả hai có những lợi ích chung và riêng trong việc duy trì xu hướng đó.

Không tiếng súng, không máy bay và cũng không có tàu chiến nhưng cuộc khủng hoảng thừa của dầu thô mang đậm hơi hướng của một cuộc đối đầu chính trị một mất một còn. Khi các dự báo đều tin rằng giá dầu còn tiếp tục đi xuống trong năm 2015 thì trận quyết đấu này sẽ là một trận chiến dài hơi. Với bản chất của một cuộc tranh giành và tầm soát ảnh hưởng, người nào nhiều tiền hơn thì kẻ đó sẽ trụ lại được trên võ đài oan nghiệt này. Cùng với đó, thế giới cũng bước vào một quá trình tái cấu trúc chứng kiến sự thay đổi của bản đồ chính trị toàn cầu.

Vân Khanh