Ra mắt tuyển thơ "Nối hai đầu thế kỷ": Xao động khúc tâm tình

Văn hóa - Ngày đăng : 06:56, 31/12/2014

(HNM) - Chiều qua 30-12, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tại Liên bang Nga đã ra mắt tuyển thơ

Phải nói đây là tập tuyển thơ dày dặn gồm hơn 600 trang, in ấn và trình bày đẹp với trang bìa là bức tranh gợi nhớ mùa thu vàng nước Nga. Hãy tạm chưa vội nói đến những vần thơ đong đầy cảm xúc, mà xin được nhắc lại những cơ duyên lịch sử đã cho những người viết bao chất liệu sống và trải nghiệm đặc biệt nơi xứ sở Bạch dương. Đó là mối thân tình, hợp tác giữa hai nước kể từ đoàn 100 học sinh, sinh viên Việt Nam đầu tiên sang học tập ở Liên Xô năm 1954, sau đó là hơn 20 nghìn cán bộ nước ta được đào tạo tại đây, tính đến năm 1990 và chưa kể hàng chục nghìn người lao động Việt Nam cũng đã gắn bó với nơi này.


Dòng văn học Việt Nam tại Nga và Liên Xô thực sự hình thành khi cộng đồng người Việt trở nên đông đảo vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Từ những mùa thu vàng nước Nga, từ sự lan tỏa của tâm hồn Nga nhân hậu và nền văn hóa Nga vĩ đại, đã xuất hiện một đội ngũ sáng tác thơ văn hùng hậu đang học tập tại Trường Viết văn Gorki, các trường đại học, viện hàn lâm... như Trần Đăng Khoa, Khánh Chi, Châu Hồng Thủy, Hồ Quốc Vỹ, Nguyễn Huy Hoàng, Mai Quỳnh Nam, Phan Chí Hiếu... Gần đây có một lớp người viết mới tiếp tục mạch cảm xúc này như Thụy Anh, Thi Ải Bắc, Hoàng An...

Phải nói, mặc dù không thể chọn lựa hết nhưng hơn 700 bài thơ của các tác giả gửi đến cho Ban tuyển chọn đã minh chứng phần nào một dòng chảy thi ca chan chứa tình yêu, vẻ đẹp của đất nước, con người hai xứ sở, dù xa xôi nhưng đã trót nặng ân tình.

Ta gặp ở đây những vần thơ của các nhà thơ tên tuổi của đất nước như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Giang Nam... Bên cạnh đó là Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Nhuận Minh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Huy Hoàng... Nhưng tình cảm với nước Nga thân thiết, với nhân dân Nga nồng hậu được thi ca hóa không phải chỉ là đặc quyền của các nhà thơ chuyên nghiệp, hoặc nổi tiếng. Tuyển thơ này đã cho thấy rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo... từng công tác, học tập tại Nga và Liên Xô (cũ) cũng có thể là tác giả của những vần thơ lay động.

Dễ thấy cảm hứng trữ tình, lãng mạn là cảm hứng chủ đạo trong tuyển thơ này. Như Phan Thị Thanh Nhàn gọi thành phố Kiev là "người yêu đầu tiên của tôi", và Thụy Anh-Tiến sĩ giáo dục thế hệ 7X thì gọi nơi đây là "Mảnh đất đã gọi tôi làm thơ/ Đã cho tôi những đêm dài không ngủ", nhiều nhà thơ khác thì suy tư cùng số phận nhân vật trong nền văn học Nga như Thế Dũng đồng cảm cùng Olga Bergon: "Tôi có một Olga chân thành và quyết liệt/Để giữa ban ngày nhận mặt những ngôi sao", và Bằng Việt thì day dứt: "Ta đã lớn. Và Pautopxky đã chết!/Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết"/Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em"...

Tất nhiên, những dòng thơ của người Việt tại Nga và Liên Xô cũ không chỉ có vậy, còn đó bao nỗi niềm thương về đất mẹ, những gian khổ, nhọc nhằn xa quê... Như Châu Hồng Thủy: "Tay úp mặt thầm thì trong gió tuyết/Xin ngàn lần tạ lỗi mẹ Quê hương"... Và nữa, là những dòng tâm tình, sẻ chia với nước Nga, với Liên Xô cũ trong những thăng trầm lịch sử...

Nhưng đúng như Ban tuyển chọn tập thơ đã nói thì dẫu cố gắng song vẫn còn thiếu nhiều bài thơ hay của các nhà thơ, sinh viên, người lao động Việt Nam ở Nga và Liên Xô cũ...

Thật đủ làm sao khi trang giấy thì có hạn mà lòng người khi đã mến yêu nhau thì quá mênh mông. Mỗi bài thơ vốn là thứ tâm tình của riêng tác giả, nhưng khi đứng cùng nhau trong một tuyển tập, cũng đã nói lên tâm tình chung của những con người đã góp phần kết nối tâm hồn hai dân tộc.

Thi Thi