Người bệnh có đỡ thiệt thòi?

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 31/12/2014

(HNM) - Tại cuộc họp thông tin về Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày mai (1-1-2015) do Bộ Y tế tổ chức ngày 30-12, các vấn đề

Chất lượng điều trị có giảm?

Để thực hiện Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 40/2014/TT-BYT ban hành danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, gồm 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược và 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Trong đó, thông tư bổ sung mới 37 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, bổ sung dạng dùng 22 thuốc và mở rộng tuyến sử dụng 77 thuốc để tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT được tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như: Bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường. 

Bộ Y tế dự kiến vận động các công ty dược viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc BHYT cho bệnh nhân.Ảnh: Thái Hiền



Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, có 25 thuốc đắt tiền, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư, bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả 50%, trong đó có 5 thuốc bổ sung mới quỹ BHYT chưa thanh toán, 11 thuốc điều trị ung thư chống thải ghép ngoài danh mục, hiện quỹ đang thanh toán 50%. Ngoài ra, 9 thuốc quỹ đang thanh toán 100% nay giảm xuống 50%, gồm có 4 thuốc điều trị ung thư, 5 thuốc điều trị các bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng.

Về việc nhiều loại thuốc có chi phí lớn bị cắt giảm đang khiến người bệnh lo lắng, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định, trước khi ban hành thông tư, hội đồng khoa học gồm các chuyên gia đầu ngành về ung bướu đã nhóm họp và cân nhắc kỹ lưỡng. Chắc chắn không có chuyện vì cắt giảm chi phí thuốc BHYT mà bệnh nhân không còn cơ hội điều trị. Chẳng hạn, với những bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT vào viện trước ngày 1-1-2015 và hiện đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh mà đang được chỉ định dùng 1 trong 4 loại thuốc bị cắt giảm (bao gồm: Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) thì vẫn tiếp tục được điều trị và được thanh toán 100% như trước. Còn với những bệnh nhân phát hiện bệnh sau ngày Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thì việc giảm chi trả điều trị các loại thuốc này cũng không phải là tước cơ hội điều trị của họ. Bởi hiện tại, trong danh mục thuốc có tới 65 loại thuốc điều trị ung thư, 57 hoạt chất thuốc phóng xạ...

Đồng tình với ý kiến trên, ông Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân cho rằng, danh mục thuốc ung thư được quỹ BHYT thanh toán đủ đáp ứng nhu cầu điều trị. Riêng 4 loại thuốc quỹ BHYT giảm chi trả (từ 100% xuống 50%), trong đó thuốc Doxorubicin là loại hóa chất bình thường nhưng được bọc thêm màng nano nhằm giảm tác dụng phụ. Tuy nhiên, loại thuốc này giá thành rất đắt. Cụ thể, một lọ có giá 5 triệu đồng mà mỗi ngày bệnh nhân phải dùng 4 lọ. Riêng 3 loại thuốc còn lại là thuốc điều trị trúng đích. Tất cả các loại thuốc này không được chỉ định rộng rãi, chỉ sử dụng cho bệnh nhân giai đoạn cuối nhưng không phải là thuốc điều trị duy nhất. "Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu khi chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Tôi xin khẳng định rằng, ung thư giai đoạn cuối không thể cứu chữa được. Vì vậy, người dân cần đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời", ông Mai Trọng Khoa nói.

Lý giải thêm về việc bệnh nhân phải đồng chi trả 50% đối với nhiều loại thuốc đắt tiền, ông Nguyễn Minh Thảo cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 120 nghìn ca mắc ung thư mới. Nếu chi trả cho một bệnh nhân 10 triệu đồng/năm thì mỗi năm quỹ BHYT tốn khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu chi 100 triệu đồng/người/năm thì cần đến 12.000 tỷ đồng. Như vậy quỹ BHYT sẽ không thể kham nổi. Trong khi còn rất nhiều bệnh khác như các bệnh xã hội phong, lao, HIV cũng đang rất cần được BHYT thanh toán do ngân sách nhà nước và các khoản kinh phí tài trợ ngày càng bị cắt giảm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, để tránh hiện tượng trục lợi, khai khống BHYT, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Cụ thể là BHXH Hà Nội đã cập nhật hệ thống giám định, chống trục lợi BHYT trên toàn thành phố theo các quy định của Luật BHYT sửa đổi 2015. Từ tháng 6-2014, BHXH Hà Nội đã thành lập các tổ cán bộ giám định, thanh quyết toán thường trực tại các bệnh viện thay vì chỉ cử 1-2 cán bộ như trước đây. Các tổ này có nhiệm vụ kiểm soát các dữ liệu, tỷ lệ thanh toán nhằm kịp thời phát hiện các sai sót. Nếu phát hiện những trường hợp thanh toán BHYT không hợp lý sẽ trực tiếp kiểm tra lại trên hồ sơ, thậm chí đến tận nhà đối tượng được hưởng BHYT để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người tham gia BHYT.

Thủ tục hành chính không làm "khó" người bệnh

Trước băn khoăn về việc người lao động tự do có được tham gia BHYT, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, lao động tự do sẽ được tham gia BHYT theo nhóm 5 (nhóm cuối cùng). Những người lao động tự do phải khai báo tạm trú và sau 3 tháng họ sẽ được quyền tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình tại nơi tạm trú. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng sẽ được giảm.

Về thủ tục khám, chữa bệnh cho người có BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo cung cấp thêm, người bệnh đến viện chỉ cần có thẻ BHYT cộng 1 giấy tờ tùy thân có ảnh. Còn với học sinh, BHXH đang phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành làm thẻ học sinh. Riêng trong trường hợp chuyển viện chỉ cần giấy chuyển viện của nơi trước chuyển đi. Còn về chứng từ thanh toán viện phí BHYT khi xuất viện đã giảm từ 7 chữ ký giờ còn 3 chữ ký (gồm chữ ký của bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh, bác sĩ điều trị và đại diện cơ sở khám, chữa bệnh). Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả BHXH cũng không được quy định thêm thủ tục trong khám, chữa bệnh. Trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh cần lưu giữ giấy tờ, chứng từ BHYT của người bệnh thì phải tự photocopy. Tuyệt đối không được yêu cầu người bệnh phải đi photo và không được thu thêm tiền photo. Điều này nhằm tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT.

Để hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, theo bà Tống Thị Song Hương, Bộ Y tế đang dự kiến vận động các công ty dược hỗ trợ một phần chi phí thông qua việc viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc BHYT. Tuy nhiên, đến bao giờ bệnh nhân mới được những đặc ân đó, hiện vẫn còn phải chờ.

Thu Trang