Ngẫm về câu nói “Hà Nội không vội được đâu!”
Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 31/12/2014
Tôi không ngờ có ai đó lại có đầu óc hài hước đến vậy khi chọn một câu nói đầy ẩn ý để nhắc nhở người tham gia giao thông. Một câu nói không hẳn là khen, là chê hay chia sẻ. Lâu nay, người ta chỉ thường in câu: "Còi to cho vượt!", hoặc "Không được phóng nhanh vượt ẩu!" để nhắc nhau khi tham gia giao thông.
Ở Hà Nội, không biết từ bao giờ xuất hiện những câu như là châm ngôn, tổng kết, khái quát cung cách giao tiếp, giải quyết công việc của người Hà Nội: "Muốn nhanh thì phải từ từ", một cách vận dụng sáng tạo câu châm ngôn nổi tiếng "Giục tốc bất đạt" của người xưa.
Có hàng trăm lý do để giải thích vì sao ở Hà Nội, với Hà Nội không vội được đâu. "Anh ơi, chị ơi, xin hãy từ từ" ra đời từ đời nảo đời nào, kể cả từ thuở còn bao cấp. Năn nỉ, gọi hỏi chán chê, bà chị, cô em bán hàng chưa thèm liếc mắt nhìn chứ chưa nói đến động đậy tay chân. Người Hà Nội khi làm, khi ăn, khi vui chơi, khi giao tiếp... dường như bất kể lúc nào, với ai, ở đâu cũng không ồn ào, ầm ĩ, vội vàng, vồ vập... Dù có vui, có buồn, có mong mỏi, sốt ruột đến mấy cũng cứ nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai. Cái cung cách ấy, phong thái ấy nó ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu đậm vào quan hệ ứng xử, kể cả trong giải quyết công việc nơi cơ quan công sở... Qua thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường, ai vội mặc ai, một bộ phận công chức, viên chức ngại chịu trách nhiệm cá nhân, nhân danh sự "bài bản", "thận trọng" không đáng có để đùn đẩy, đánh võng, né tránh, thậm chí là để gây khó khăn, vòi vĩnh người có việc.
Dường như mọi sự ở đời đều có mặt này, mặt kia. Cái lý sự chậm chạp, đủng đỉnh, từ từ... đến mức khiến người ta phải bất bình, sốt ruột ở đất Thủ đô đôi khi còn do những nguyên nhân, những người có trách nhiệm giải quyết công việc lâm vào tình cảnh "đẽo cày giữa đường", lắm ý kiến nói vào nói ra cộng hưởng, khiến càng thêm bị lỡ thời cơ, lỡ việc, chậm phê duyệt, chậm triển khai dự án...
Có muôn vàn vụ việc có thể dẫn ra để làm minh chứng. Việc lớn như xây hay không xây nhà Quốc hội ở vị trí cũ, làm hay không làm tòa Tháp Hà Nội trên đất nhà tù Hỏa Lò, và nào là nạo vét bùn Hồ Gươm, chữa bệnh cho "cụ" Rùa, chuyện xây Bảo tàng Hà Nội, chuyện cải tạo các khu chung cư, làm các cây cầu vượt, đường Văn Cao, Đàn Xã Tắc - Ô Chợ Dừa..., nếu nhất nhất mọi việc đều chờ đồng thuận, nhất trí trăm phần trăm, có lẽ phải chờ sang thế kỷ khác.
Công bằng mà nói, có không ít ý kiến nhận xét, phản biện, góp ý của dư luận, các nhà chuyên môn, báo chí... nêu lên là xác đáng, có tính xây dựng, động cơ trung thực, một lòng vì công việc chung... đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu, tránh được những bất hợp lý, lãng phí, tốn kém không cần thiết, như việc dừng dựng 5 cổng chào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc không cho làm 14 nhà vệ sinh tiền tỷ... Song, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, TP Hà Nội cũng không ít lần gặp khó, lúng túng, không phải do thiếu kinh phí, ngân sách, thiếu công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực... mà vì thiếu sự đồng thuận của dư luận. Có lúc, tính bức xúc bị báo chí đẩy lên quá mức, thổi phồng sai sự thật, thậm chí bênh vực cho những người cố tình không hiểu, cố ý làm sai, cường điệu, quan trọng hóa một lĩnh vực chuyên môn đặc thù, một lợi ích đơn phương cá biệt... Có khi chẳng vì cái chung mà đi viện dẫn những ý kiến cá biệt không đại diện tiêu biểu cho cái đúng, không có tính khả thi để áp chế, lấn lướt lẽ phải. Có khi chỉ vì lợi ích của một vài hộ dân muốn nhà mình được tại vị hưởng lợi mặt tiền làm cản trở việc xây dựng công trình công cộng. Thậm chí, có vụ việc chỉ vì muốn được mở lối đi riêng mà cố tình bắc thang trèo qua tường, sử dụng "khổ nhục kế" nhờ báo chí tạo dư luận thương tâm, bức xúc...
Những việc như vậy, ở một Thủ đô đang trong quá trình CNH, HĐH không sao kể hết. Mới đây, tại Đại hội lần thứ 3 Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong phát biểu của mình, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nêu một việc rất tiêu biểu về sự khó khăn khi phải xử lý các ý kiến khác nhau, trái chiều, kéo dài đã hơn 10 năm, đến hôm nay vẫn chưa có lời giải. Đó là lựa chọn phương án nào để bảo tồn cây cầu Long Biên lịch sử? Thế nào là bảo tồn nguyên trạng trong trường hợp cây cầu đầy thương tích chiến tranh, già nua, cũ kỹ, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao? Làm thế nào để kết hợp, dung hòa sự khác nhau về ý kiến, quan điểm giữa các nhà văn hóa luôn nhấn mạnh ưu tiên bảo tồn với các nhà kinh tế luôn ưu tiên yêu cầu phát triển?...
Không ít lần dư luận xã hội hoan nghênh sự cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo TP Hà Nội. Một thái độ chờ đợi, trân trọng ý kiến của dư luận, của các nhà chuyên môn có uy tín, có tâm, có tầm là cần thiết. Nhưng, cũng có nhiều việc, dư luận mong muốn lãnh đạo thành phố lắng nghe để chọn lựa phương án tối ưu, nhưng nghe rồi phải chọn, chọn rồi thì phải quyết, quyết rồi thì phải làm. Cuộc sống đòi hỏi phải có phương án, dù không thể mười phân vẹn mười, nhưng đó là phương án có thể chấp nhận được.
Với đặc điểm địa bàn Thủ đô, có những dự án tuy không lớn về quy mô, song rất nhạy cảm, ý kiến lúc đầu có thể rất khác nhau, như Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, bãi xe ngầm tại công viên Thống Nhất. Những dự án mà thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm, cân nhắc không phải chỉ là tuần, là tháng, mà cả chục năm, hơn chục năm... Trao đi đổi lại, đến lúc phải quyết, phải làm, làm khẩn trương, chất lượng. Cuộc sống đang mong chờ những dự án dân sinh, bức xúc sớm được triển khai. Có những việc chưa làm thì chưa đồng thuận, nhưng làm rồi, được thực tiễn chứng minh là có lợi, khi ấy mới đồng thuận. Như việc Hà Nội với các cây cầu vượt trong nội đô.
Câu nói "Hà Nội không vội được đâu" chỉ đúng khi chờ đèn đỏ ở ngã tư đông người, đông xe, chứ không phải lúc nào cũng đúng.
Ngày mai bắt đầu một năm mới. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề "Năm trật tự văn minh đô thị", tiếp tục đà tiến bộ của cải cách hành chính những năm qua, tất cả mọi người chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức, cùng vì công việc chung mà tạo nên sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của một năm đầy ý nghĩa - 2015.