Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 30/12/2014
Tổng lực tấn công buôn lậu
Trao đổi với chúng tôi. Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An Đặng Văn Lớp thừa nhận, buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới Long An tiếp tục phức tạp vào tháng cuối năm, nhất là địa bàn giáp ranh Tây Ninh - Long An, các lực lượng chức năng mới chỉ ngăn chặn, xử lý được khoảng 50-60% trong tổng lượng thuốc lá vận chuyển qua biên giới mỗi ngày. Còn tại tỉnh Tây Ninh, Chi cục Hải quan tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường và đang xây dựng quy chế phối hợp với các huyện biên giới để kiểm tra chặt chẽ, hạn chế buôn lậu qua biên giới.
Bắt giữ thuốc lá lậu. |
Tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh này cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2014 có giảm so với năm trước nhưng diễn biến lại rất phức tạp và khó lường. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.365 vụ, trong đó đã khởi tố hình sự 56 vụ với 105 đối tượng; tổng trị giá tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính 62 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã bắt giữ 410 vụ, mua bán, vận chuyển các chất ma túy, với 506 đối tượng, thu 20 bánh và 3.727,58 gram heroin; 29.036,55 gram và 370 viên ma túy tổng hợp; 34.176,44 gram và 72 cây cần sa.
Ghi nhận tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và Cửa khẩu Ka Long trong ngày 17-12-2014 tình trạng buôn lậu đã đỡ sôi động hơn. Theo một người dân ở phường Hải Hòa, cách đây 1 - 2 năm về trước thì "trên bến dưới thuyền, nhiều tuyến phố, tuyến đường, xe máy, xe container chạy rầm rập suốt đêm". Theo lãnh đạo TP Móng Cái trên sông Ka Long, có thời điểm lên đến 4.000 đò chở hàng lậu với khoảng 8.000 lao động "ăn theo", nhưng tại thời điểm này đã giảm nhiều. Đội phó Đội kiểm soát Hải quan số 1 (Chi cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) Đậu Hùng Dương cho biết, sau vụ việc bắt giữ vụ buôn lậu ngày 2-11 vừa qua, tình hình vận chuyển hàng lậu trên địa bàn 10km đường biên thuộc đội quản lý đã được kiểm soát chặt chẽ, không còn tình trạng nhức nhối như trước. Tại Đội liên hợp 1 - Vàng Lầy và liên hợp 2 - Trạm Bơm luôn có 6 cán bộ hải quan và 6 cán bộ biên phòng ứng trực 24/24 giờ để ngăn chặn đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên ông Dương thừa nhận vẫn còn tình trạng một số đối tượng hoạt động lén lút, chờ thời điểm lực lượng tuần tra vừa đi khỏi, lại tuồn hàng lậu qua biên giới. Đặc biệt, thành phố Móng Cái với 74km đường biên, trong đó có gần 60km là đường rừng núi hiểm trở luôn là điểm nóng buôn lậu phức tạp của tỉnh Quảng Ninh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Nguyễn Tiến Dũng, trong đợt cao điểm này toàn bộ lực lượng của 4 đồn biên phòng, các trạm hải quan, công an, kiểm lâm, quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân chống buôn lậu.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn lậu tại tỉnh này có xu hướng giảm so cùng kỳ năm 2013. Thống kê đến hết tháng 10-2014, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2.699 vụ (bằng 82,46% so cùng kỳ), trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu 1.931 vụ, gian lận thương mại 725 vụ, hàng giả 43 vụ. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, từ tháng 8 đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; bố trí lực lượng canh phòng 24/24 giờ, lập lán trên khu vực biên giới. Đội chống buôn lậu của Hải quan Lạng Sơn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trao đổi của cư dân biên giới theo đúng quy định.
Giải pháp và kiến nghị
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh việc áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong cuộc chiến chống buôn lậu, tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm soát liên hợp trên địa bàn tỉnh, cho phép di chuyển Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt về khu vực ngã tư Than Muội, xã Quang Lang (huyện Chi Lăng). Thực tế khi đưa trạm kiểm soát liên hợp về đây sẽ nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, do hiện nay đang có tình trạng các đối tượng lợi dụng các đường gom, đường vòng, đường tránh vận chuyển hàng lậu từ biên giới về nội địa nhằm "né" trạm Dốc Quýt. Các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đều kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch số 60 về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để khắc phục tình trạng hợp thức hóa hàng lậu; đồng thời đề nghị Chính phủ sửa đổi chính sách miễn thuế cho cư dân biên giới với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày, tránh kẽ hở để các chủ đầu nậu lợi dụng bằng việc xé nhỏ các lô hàng rồi thuê người vận chuyển vào nội địa công khai qua cửa khẩu, tiếp tay cho buôn lậu.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, để đối phó với tình trạng buôn lậu thuốc lá không hề thuyên giảm, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Long An, Đồng Tháp kiến nghị nên điều chỉnh Nghị định 76/2010/NĐ-CP, theo đó đối với đối tượng vận chuyển trên 500 bao là phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thay vì 1.500 bao như Nghị định quy định, mới đủ sức răn đe, hạn chế được tình trạng buôn lậu thuốc lá tràn lan hiện nay. Đồng thời, các tỉnh này cũng đề nghị cần có chế tài xử lý cụ thể các đối tượng tiếp tay, làm thuê cho buôn lậu; đặc biệt là cần tăng khung hình phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ...
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia 389 chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, từ nay đến Tết Ất Mùi các bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp rõ ràng, quyết liệt hơn nữa để lập lại kỷ cương, ngăn chặn buôn lậu hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, các lực lượng, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu. Một biện pháp quan trọng nữa là các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu; xử lý nghiêm những "đầu nậu", đồng thời kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, kiên quyết loại bỏ những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ giấy tờ…