Quyết liệt với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 06:42, 29/12/2014
Năm 2015, Hà Nội tiếp tục đầu tư hạ tầng và siết chặt hơn nữa các loại hình vận tải hành khách, bố trí thêm cầu vượt và tổ chức phân luồng giao thông một cách hợp lý, khoa học…
Nhiều cầu vượt nhẹ đã được xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Còn 46 điểm đen ùn tắc giao thông
Vào giai đoạn 2010-2011, ùn tắc giao thông luôn là vấn đề gây đau đầu các ngành chức năng và là nỗi nhức nhối đối với mỗi người dân Thủ đô. Tuy nhiên, liên tục trong những năm qua, thành phố đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp đồng bộ, quyết liệt, như phân làn phương tiện, đặt biển hạn chế tốc độ, sơn kẻ, sơn gờ giảm tốc, lắp các thiết bị phản quang, cột phân làn, điều chỉnh hướng khúc cua... nhằm tạo thói quen chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân; điều chỉnh giờ học, giờ làm…
Theo Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến đường, nút giao thông, cầu vượt nhẹ kết cấu thép và cầu vượt cho người đi bộ được đưa vào khai thác. Trong đó, đáng kể là đã hoàn thành một loạt tuyến, đoạn tuyến trên các trục đường Vành đai 1, 2; các tuyến đường chính kết nối trong nội đô: Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, La Thành - Thái Hà - Láng, Yên Hòa - Bảo tàng Dân tộc học, đường Tôn Thất Tùng kéo dài… Ngoài ra, việc hoàn thành 7 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại một số nút giao như Chùa Bộc - Thái Hà, nút Láng Hạ - Thái Hà, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (nút giao thông Deawoo)… đã góp phần giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông.
Một giải pháp nữa được TP Hà Nội triển khai thành công là đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hằng năm, mạng lưới tuyến buýt luôn được điều chỉnh hợp lý, cải thiện điều kiện vận hành, mở rộng vùng phục vụ nhờ đó nâng tỷ lệ người dân đi xe buýt, góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân ra vào nội đô… Từ năm 2011 đến nay, thành phố phát triển thêm 6 tuyến buýt có trợ giá (từ 65 tuyến lên 71 tuyến), qua đó vận chuyển được 723,8 triệu lượt hành khách, đáp ứng được 14% nhu cầu đi lại của người dân (tăng khoảng 4% so với năm 2010)… Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ 124 điểm đen ùn tắc giao thông vào cuối năm 2011, đến nay, toàn thành phố chỉ còn 46 điểm. Đáng chú ý, ngoài số điểm giảm thì thời gian ùn tắc cũng được rút xuống rất nhiều…
Tiếp tục đầu tư hạ tầng
Đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông được Sở GTVT đề ra. Theo đó, trong năm 2015, Sở GTVT sẽ tăng cường đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư tập trung đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ các dự án giao thông quan trọng như các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, các dự án đường sắt đô thị và xe buýt nhanh. Việc đầu tư hạ tầng cũng được tập trung vào các dự án trọng điểm như đường Hoàng Cầu - Voi Phục, Xuân La - Cầu Giấy, Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; cải tạo nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, mở rộng cầu Trung Tự để giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực này… Dài hạn hơn, Sở GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào năm 2016; Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) để đưa vào sử dụng năm 2018. Sở GTVT cũng dự kiến đưa tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.
Tại cuộc họp về kế hoạch công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu: Cùng với các chương trình, dự án đầu tư cải tạo hạ tầng, ngay trong những ngày đầu năm 2015, Sở GTVT và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phải nghiên cứu mở mới thêm một số tuyến buýt không trợ giá, nối trung tâm thành phố với sân bay, như tuyến từ điểm trung chuyển Cầu Giấy đi theo đường Vành đai 2 qua cầu Nhật Tân lên đường Võ Nguyên Giáp tới sân bay, hay tuyến từ Yên Phụ tới sân bay và tuyến từ đường Trần Nhật Duật theo đường 5 kéo dài lên sân bay… Lượng xe taxi, xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố cũng đã bão hòa nên không cho phép tăng thêm xe, thêm lượt. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ siết về chất lượng. Xe xích lô cũng phải được tổng kiểm tra và yêu cầu chỉ được chở khách du lịch, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Thủ đô, không được hoạt động vận tải khách. Với các nút giao thông có nguy cơ ùn tắc cao, lực lượng chức năng phải bố trí lực lượng ứng trực, tổ chức, sắp xếp lại giao thông, bổ sung đèn tín hiệu ở những vị trí còn thiếu. Một số tuyến đường cũng được thành phố đốc thúc hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015 để đưa vào sử dụng như đường Thanh Nhàn, cầu Mỗ Lao, đường Trần Phú…