Lòng tham vô đáy trong vụ “đại án” ngân hàng
Xã hội - Ngày đăng : 06:02, 29/12/2014
"Siêu lừa" sẽ nhận được bản án thích đáng là điều ai cũng thấy rõ. Nhiều người nói vụ "đại án" như một cơn địa chấn đối với ngành ngân hàng. Điều này hoàn toàn có cơ sở, cả về mức độ phạm tội, số lượng tiền lừa đảo, "tầm cỡ" các nạn nhân bị lừa... Rõ ràng vấn đề không đóng khung trong câu chuyện tiền gửi vào tài khoản ngân hàng bị "siêu lừa" cùng đối tác dùng chứng từ giả để rút ra. Có người đặt câu hỏi: Tại sao Huỳnh Thị Huyền Như, một phó phòng quản lý rủi ro của Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, một vị trí công việc không có nhiều quyền lực lại có thể thực hiện những hành vi phạm tội nghiêm trọng đến như vậy? Tại sao những "đại gia" ngân hàng dày dạn lại có thể dễ dàng sa vào "trận đồ tín dụng" để sập bẫy kim tiền? "Siêu lừa" có phải là kẻ bị hại hay không? Đây có phải là một vụ vỡ tín dụng "đen"?...
Từ mỗi điểm nhìn sẽ có một cách suy luận, một hoặc nhiều cách lý giải cho những câu hỏi "vì sao?" ấy. Một trong những nguyên nhân đưa Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm đến vành móng ngựa cũng như những người bị Huyền Như lừa đảo là lòng tham vô đáy - đây cũng có thể xem là nguyên nhân sâu xa nhất. "Vực sâu lớn nhất của đời người là tham lam", Huỳnh Thị Huyền Như đã bất chấp tất cả để làm giàu và đã tự biến mình thành một "siêu lừa". Để thỏa mãn tham vọng, ngay từ những năm 2007-2008 Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tới trên 200 tỷ đồng của nhiều tổ chức tín dụng và cá nhân. Sau đó ít lâu, người phụ nữ này đã trở thành một tay có "máu mặt" trong "làng" môi giới chứng khoán, tiếp đến là bất động sản. Khi quả bóng bất động sản cùng những giá trị ảo bị xì hơi, "nữ đại gia" ngập chìm trong gánh nặng nợ nần và với lòng tham không giới hạn tất yếu trở thành kẻ lừa đảo. Kinh nghiệm chuyên ngành và nghiệp vụ ngân hàng đã được "siêu lừa" vận dụng một cách triệt để trong hành trình phạm pháp. Không chỉ câu kết với đối tác, cấp dưới, làm giả con dấu, hồ sơ, chữ ký để rút tiền, đáng nói hơn, Huỳnh Thị Huyền Như đã biến người chị ruột của mình trở thành một thứ công cụ phục vụ cho mục đích lừa đảo để rồi cùng phải trả giá trước pháp luật.
Vòng xoáy kim tiền đã nhấn chìm nhân tính trong con người này. Có vị luật sư nói rằng: Huỳnh Thị Huyền Như không có ý thức chiếm đoạt, mà ban đầu chỉ chiếm dụng vốn để trả cho các chủ nợ cho vay ngoài với lãi suất cao. Nếu nhìn số tiền mà những chủ cho vay nặng lãi như Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí thu được từ việc "huy động vốn" của "siêu lừa" (lên tới 2.300 tỷ đồng) thì Huỳnh Thị Huyền Như có vẻ là "người bị hại". Nhưng vì sao "siêu lừa" lại trở thành "người bị hại" dưới tay những "đại gia" cho vay nặng lãi? Tín dụng "đen" như thế nào, hệ lụy của nó ra sao, một người công tác nhiều năm trong ngành ngân hàng như Huyền Như lẽ nào không biết? Vấn đề là "siêu lừa" đã bất chấp tất cả. Những "đại gia" cho vay nặng lãi cũng đã bất chấp tất cả khi đứng trước lợi nhuận khủng khiếp (mức lãi suất cho "siêu lừa" vay lên tới 140%/năm, gấp 10 lần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định ở thời điểm đó). Lòng tham vô đáy đã đẩy ham muốn của con người vào một thứ lợi nhuận không thể có được nếu làm ăn chân chính. Ngạn ngữ có câu: "Điều gì đến, sẽ đến"! Cái giá phải trả cho lối làm ăn phi pháp như vậy là không tránh khỏi.
Thêm nữa, dù đã đưa ra nhiều lý lẽ nhưng không ai có thể biện minh cho những hành vi lừa đảo và bản chất của một "siêu lừa". Hàng loạt bất động sản đứng tên người thân của Huỳnh Thị Huyền Như (trong đó có người chị ruột đứng tên 4 căn hộ sang trọng với số tiền đã thanh toán hơn 10 tỷ đồng) cho thấy điều gì? "Siêu lừa" đã tính toán rất kỹ cho việc trốn tránh trách nhiệm dân sự một khi những vụ lừa đảo động trời bị phát hiện? Lòng tham vô đáy đã đẩy Huỳnh Thị Huyền Như và những "đại gia" cho vay nặng lãi ra trước vành móng ngựa. Điều này không khó lý giải. Nhưng, tại sao với những thủ đoạn không thể gọi là tinh vi hay mới mẻ gì, "siêu lừa" vẫn có thể làm sập bẫy những "ông lớn" trên thương trường tín dụng. Người ta đã mờ mắt trước mức lãi suất không tưởng mà "siêu lừa" đưa ra hay còn vì lý do nào khác?
Rõ ràng, một cá nhân và kể cả khi có sự trợ giúp của các cộng sự ở một phòng giao dịch như vậy cũng không thể để lọt cả nghìn tỷ đồng. Phía sau câu chuyện vay nợ "tín dụng đen" để rồi "đói ăn vụng, túng làm liều" là gì? Đó là cái thói "ngồi mát ăn bát vàng", hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất? Trở lại với câu hỏi: Vì sao một người phụ nữ bé nhỏ lại có thể lừa đảo, chiếm đoạt tới 4.000 tỷ đồng và qua mặt một loạt các ngân hàng, tổ chức, các đại gia vốn thừa kinh nghiệm? Có một lý giải của người trong ngành ngân hàng rất đáng để suy nghĩ: Nói "con voi chui lọt lỗ kim", có nghĩa là lỗ kim phải to hơn con voi. Chính sự nhập nhoạng của thị trường, những bất cập trong chính sách lãi suất cũng như cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng vào thời điểm đó, cũng như sự tham lam mà một số cá nhân, tổ chức móc ngoặc với Huyền Như để khoét rộng "lỗ kim" cho "con voi" hàng nghìn tỷ đồng của "siêu lừa" chui lọt... Nhưng dù gì đi nữa thì những thủ phạm hay vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân trong vụ án không thể đổ thừa cho những sơ hở của một vài ngân hàng. Bởi lẽ dù có sơ hở thì người ngay không ai làm những điều phi pháp, mà chỉ những kẻ với lòng tham không đáy và đầy mưu toan khuất tất mới lợi dụng để làm bậy. Không những thế, từ lòng tham không đáy, những kẻ này còn đục thủng những boong ke sắt để thực hiện mục tiêu phi pháp của mình.
Cũng cần minh bạch quan hệ giữa Huyền Như và VietinBank - nơi mà Huyền Như lợi dụng thương hiệu để lừa đảo. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xem xét, đánh giá và xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Cụ thể: Do có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo các tổ chức, cá nhân mở tài khoản. Giao dịch giữa Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi họ chuyển tiền vào VietinBank đều là các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, nguyên nhân, động cơ, mục đích và các hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận, móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài khoản là rất rõ ràng, từ đó họ "tạo điều kiện" cho Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, Huyền Như chỉ là một cán bộ của VietinBank, nhưng những gì bất hợp pháp mà cô ta làm không phải do VietinBank giao nhiệm vụ. Vụ án Huyền Như là một vụ án hình sự, trong đó Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, chi ngoài hợp đồng, giả mạo con dấu, tài liệu của VietinBank và nhiều cơ quan, tổ chức khác là hành vi phạm tội hình sự, hoàn toàn không phải thực hiện nhiệm vụ được VietinBank giao. Bởi vậy, ở mức độ nào đó VietinBank chính là nạn nhân của Huyền Như. Tòa án buộc Huyền Như bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại là hoàn toàn áp dụng đúng quy định của pháp luật và bản chất của vụ án: Lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 12 công ty và cá nhân.
Từ nửa cuối năm 2012 đến nay, kỷ cương hệ thống ngân hàng đã và được củng cố, "lỗ kim" đã được thu nhỏ ở mức độ nào đó, vụ "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng đi đến hồi kết. Tất nhiên, câu chuyện trách nhiệm thì vẫn còn. Dù có đưa ra lý do gì đi nữa, các ngân hàng đã vì lòng tham mà bị hoặc được Huyền Như lừa đảo đều phải có trách nhiệm trước người gửi tiền, có trách nhiệm trước nhiệm vụ là đi vay để cho vay và cung cấp dịch vụ thanh toán, bảo đảm dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế phải sạch sẽ. Vì vậy, những gì tòa án đã phán xử các ngân hàng bị Huyền Như lừa đảo cũng phải chịu trách nhiệm. Và, hơn lúc nào hết, các ngân hàng đó càng phải chấn chỉnh lại cách quản lý, siết chặt các nguyên tắc (là những barie) để ngăn chặn những dòng tiền bất hợp pháp vào - ra với những mồi nhử lãi suất khủng, một cách hữu hiệu. Từ vụ "đại án" này, việc tái cơ cấu, lập lại kỷ cương, tạo sự minh bạch trong toàn bộ hệ thống ngân hàng cần tiếp tục được tiến hành với tính chất đặc biệt cấp thiết.