Tên lửa đạn đạo Bulava
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:52, 28/12/2014
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến dòng tên lửa này sẽ là nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Trong tương lai Bulava, cùng với 2 loại tên lửa liên lục địa đất liền RS-12M và RS-24 sẽ là xương sống của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Trong tiếng Nga, Bulava có nghĩa là "Chiếc gậy". Được thiết kế bởi Viện Công nghệ nhiệt Mátxcơva dưới sự chỉ đạo của Tổng công trình sư Yury Solomonov, Bulava đã được phát triển từ cuối năm 1990 để thay thế cho các tên lửa đạn đạo tàu ngầm đã cũ. Từ khi còn trên bàn thiết kế, đã nhiều lời đồn đoán về Bulava, nhiều người cho rằng nó sẽ có cấu tạo tương tự RS-12M, loại tên lửa liên lục địa trên đất liền của Nga. Tuy nhiên, loại tên lửa này có thiết kế hoàn toàn khác so với "anh em" trên cạn của mình. Bulava có thiết kế 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, chiều dài 14,8m, đường kính 1,9m.
Tên lửa Bulava có thể mang 6 đầu đạn hạt nhân có khả năng tái nhập khí quyển tấn công đa mục tiêu - MIRV. Tuy nhiên, sức chứa tối đa của nó có thể lên tới 10 đầu đạn với khả năng tấn công các mục tiêu độc lập. Mỗi đầu đạn của Bulava có sức công phá 150 kiloton, tương đương 150 nghìn tấn thuốc nổ (TNT), tầm bắn tối đa là 9.000km.
Các nhà thiết kế của Viện Công nghệ nhiệt Mátxcơva cũng đưa ra một phiên bản đặc biệt của Bulava chỉ mang 1 đầu đạn duy nhất nhưng sức công phá lên đến 500 kiloton để tấn công những mục tiêu trọng điểm, cần phá hủy triệt để. Loại tên lửa này được thiết kế để bay trong 3 giai đoạn, 2 giai đoạn đầu dùng các khối nhiên liệu rắn trong khi giai đoạn cuối sử dụng nhiên liệu lỏng để tăng cường khả năng cơ động trong quá trình tách các đầu đạn hạt nhân phóng đến mục tiêu. Bulava có thể được bắn từ vị trí nghiêng và trong lúc tàu ngầm đang chuyển động. Do quỹ đạo bay không quá cao nên Bulava còn được gọi là tên lửa đạn đạo lưỡng tính. Bulava dự kiến sẽ được trang bị cho tàu ngầm tên lửa lớp Borei hiện đại của Nga.
Theo kế hoạch, 3 chiếc tàu ngầm lớp Borei đầu tiên, mỗi tàu sẽ được trang bị 16 tên lửa Bulava. Sau đó, 5 chiếc tàu ngầm giai đoạn tiếp theo sẽ được trang bị 20 tên lửa mỗi tàu. Sau vụ thử thành công hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này cần duy trì năng lực răn đe hạt nhân để đương đầu với các mối đe dọa về an ninh.