Ukraine: Viễn cảnh u ám
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 28/12/2014
Theo kế hoạch, nếu cuộc gặp ngày 26-12 tổ chức, các bên sẽ tiếp tục bàn thảo nội dung bị gián đoạn trong cuộc họp trước đó là rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng ranh giới của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk, Lugansk và việc Chính phủ Ukraine ngừng phong tỏa kinh tế đối với hai khu vực này. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến việc hủy bỏ đàm phán không được tiết lộ, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái này có liên quan tới việc Quốc hội Ukraine thông qua quyết định từ bỏ quy chế không liên kết để theo đuổi việc xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái này đã khiến xứ Bạch dương nổi cơn thịnh nộ.
Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết quân sự mới, mô tả những mối đe dọa mới nổi nhằm vào an ninh quốc gia, trong đó có NATO và Mỹ. Học thuyết quân sự 2014 khẳng định việc tăng cường lực lượng quân sự nước ngoài ở các quốc gia và vùng biển sát Nga với mục đích gây sức ép về chính trị - quân sự, việc thiết lập ở các quốc gia giáp Nga các chế độ có chính sách không phù hợp lợi ích của Nga là những mối đe dọa mới. Về các biện pháp đáp trả, lần đầu tiên Mátxcơva đưa ra khái niệm "kiềm chế phi hạt nhân", tức là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng thông thường. Ngoài ra, học thuyết mới cũng cụ thể hóa khái niệm "sẵn sàng động viên", điều chỉnh các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp quốc phòng...
Hậu quả chiến sự đang ngày càng đè nặng lên người dân Ukraine. |
Những động thái này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trên "bàn cờ" địa chính trị bên bờ Biển Đen và cho thấy con đường tới hòa bình của Ukraine còn rất nhiều trắc trở. Theo thông tin mới nhất, dự trữ ngoại tệ của Ukraine đã giảm hơn một nửa kể từ đầu năm xuống mức "đáy" của 10 năm nay, do phải thanh toán tiền khí đốt cho Nga và thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng nội tệ hryvnia đang mất giá. Ngoại tệ dự trữ còn lại của Ukraine hiện nay khoảng dưới 10 tỷ USD, chỉ đủ để trang trải các khoản nhập khẩu trong hai tháng. Đúng vào ngày Giáng sinh, Quốc hội nước này đã phải bước đầu thông qua dự luật tăng thuế nhập khẩu lương thực thêm 10%, trong lúc thuế nhập khẩu áp dụng đối với các mặt hàng khác (không bao gồm các hàng hóa có tính chiến lược như khí đốt) thêm 5%. Đây được coi là một nỗ lực của chính phủ nước này để tăng nguồn thu ngân sách, tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc đẩy đời sống của người dân vào tình trạng khó khăn hơn khi giá cả nhiều mặt hàng leo thang. Trong khi đó, "chiếc phao" tài chính mà Liên minh Châu Âu (EU) hứa hẹn với Kiev để vượt qua tình trạng khó khăn hầu như vẫn ở trên giấy. Những khoản trợ giúp nhỏ giọt trong thời gian qua chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu quá lớn của Ukraine.
Mới đây Bộ trưởng Kinh tế Aivaras Abromavicius - một trong ba bộ trưởng người nước ngoài trong nội các "đa quốc tịch" của Ukraine đã đưa ra một đề xuất có phần khó hiểu đó là chuyển giao hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước cho các quỹ đầu tư Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, có lẽ đây chỉ là một ý tưởng nhất thời của ông A.Abromavicius trước mối lo quá lớn về "cơm áo gạo tiền" trong bối cảnh thời điểm Ukraine vỡ nợ đang được tính từng ngày. Tuy nhiên, viễn cảnh này cũng có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo Ukraine không tìm được nguồn cứu trợ đủ lớn. Nhận định về tình hình Ukraine, Hãng tin DW (Đức) cho rằng "khủng hoảng nợ của một nhà nước thất bại trên thực tế chỉ có thể được giải quyết bằng cách bán tài sản cho nước ngoài".
Đang từ một quốc gia tương đối thịnh trị, Ukraine biến thành một mặt trận chứng kiến sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Vì thế, "giấc mơ" về sự ổn định ở đất nước hơn 45 triệu dân này chỉ có thể trở thành hiện thực khi cuộc tranh hùng này kết thúc và các bên liên quan đồng ý thỏa hiệp vì lợi ích chung. Bằng không, Ukraine sẽ khó tránh khỏi viễn cảnh u ám, bị nhấn chìm bởi những bất ổn cả về an ninh lẫn kinh tế.