Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2014
Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 26/12/2014
Lạm phát thấp nhất trong 10 năm
Năm 2014, lạm phát của Việt Nam tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, ở mức 4,09%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 7%.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân lạm phát thấp là do sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế và đây không thể là một kết quả tích cực được mong đợi. Việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát không phải là bài toán dễ, dù trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,9%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (5,8%) và cao hơn năm 2013 (5,42%).
Nợ công thu hút sự chú ý
Có thể nói, năm 2014, nợ công là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của người dân và các chuyên gia. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nếu như cách đây 13 năm, năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11,5% GDP thì đến năm 2010, con số này đã tăng gần 5 lần, lên 51,7% GDP; sau đó 3 năm, nợ công gần như đi ngang, chỉ tăng lên 54,2% vào năm 2013, nhưng đến năm 2014, nợ công dự tính tăng vọt lên tới tận 60,3% GDP và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015, gần sát ngưỡng an toàn 65% GDP.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Có chuyên gia cho rằng, nhà nước đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới, bởi tỷ lệ nợ công an toàn 65% là theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 mà đến năm 2015 đã là 64%. Nếu tình hình cứ tiếp tục như hiện nay mà Chính phủ không có giải pháp thích hợp, không tiến hành cải cách đúng mức, thì khả năng về việc Việt Nam vỡ nợ công là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn kế hoạch
Tính chung cả các dự án cấp mới và tăng vốn trong 12 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014 là 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ 2013 và tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 (17 tỷ USD).
Tính đến ngày 15/12/2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014. Ba lĩnh vực gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất
Việt Nam tiếp tục xuất siêu
Bộ Công thương ước tính, xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 150 tỷ USD, nhập khẩu đạt 148,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khá (trong 11 tháng đầu năm tăng 13%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của 11 tháng năm 2013). Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số mặt hàng thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng mạnh.
Tồn kho bất động sản giảm
Năm 2014, thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng. Phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2 và tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo.
Tình hình hàng tồn kho, nợ xấu được tháo gỡ dần, các chủ đẩu tư đã tập trung cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng. Thống kê của Bộ xây dựng cho biết lượng bất động sản tồn thời gian qua đã giảm 14,7% so với năm 2013. Để tiêu thụ được sản phẩm nhanh, nhiều chủ đầu tư đã thu hút khách bằng các chiêu khuyến mại gói nội thất hàng trăm triệu đồng, bốc thăm trúng thưởng xe sang...
Ở gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra từ 2013, đến hết năm 2014 với nhiều thủ tục nới lỏng thêm đã có thêm khách hàng vay được tiền từ gói hỗ trợ này nhưng chưa thực sự giải ngân mạnh.
Mặt bằng lãi suất xuống sâu, tỷ giá ổn định
Năm 2014 tiếp tục đánh dấu Ngân hàng Nhà nước điều hành thành công các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013, trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố. Thị trường vàng diễn biến ổn định, Ngân hàng Nhà nước không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.
Giá xăng giảm mạnh
Giá dầu thế giới liên tiếp giảm, trong đó tháng 12 giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng 60 USD/thùng-mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2009 hồi đầu tháng 12 đã khiến giá xăng, dầu trong nước giảm mạnh. Chỉ tính riêng từ tháng 7 đến tháng 12, giá mặt hàng này đã 12 lần được điều chỉnh đi xuống, hạ tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít; còn tính cả năm, trong 24 lần điều chỉnh thì có tới 19 lần giá xăng giảm. Đến nay, giá xăng là 17.880 đồng/lít-mức thấp hơn hơn 3 năm qua. Giá xăng giảm là thông tin tốt, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào. Tuy nhiên, điều lo lắng là giá dầu thế giới giảm mạnh sẽ khiến Việt Nam hụt thu ngân sách từ xuất dầu thô. Theo tính toán, khi giá dầu ở dưới mốc 100 USD/thùng, cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD, ngân sách sẽ thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thăng trầm thị trường chứng khoán
Năm 2014 dần khép lại với sự biến động mạnh từ thị trường chứng khoán. Điểm đáng chú ý là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan hồi đầu tháng 5 đã khiến thị trường chứng khoán trong nước chao đảo. Đỉnh điểm là phiên ngày 8/5, VN-Inex giảm tới xấp xỉ 33 điểm, là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Vào đầu quý 3, thị trường khá thăng hoa bởi lãi suất tiếp tục giảm, kỳ vọng về nới room cho nhà đầu ngoại. Phiên 3/9, VN-Index tăng mạnh lên 640,75 điểm-mức cao nhất trong năm. Tuy nhiên, về gần cuối năm, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại; trong đó, quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước giảm mạnh, kéo theo sự đi xuống chung của thị trường. Phiên ngày 17/12, VN-Index giảm hơn 3%, còn 518,22 điểm, cách mức ngày đầu năm hơn 13 điểm. Năm 2014 cũng chứng khiến sự biến động mạnh về thanh khoản cổ phiếu, trong đó phiên ngày 21/3 thanh khoản đạt kỷ lục với tổng giá trị chuyển nhượng trên hai sàn là hơn 6.800 tỷ đồng (riêng sàn TP HCM đạt hơn 5.400 tỷ đồng).