Đọc sách: Tuyển chọn những bài thơ hay và lời bình
Văn hóa - Ngày đăng : 15:12, 20/08/2004
Với tấm lòng yêu mến và trân trọng trẻ thơ, các tác giả đã đem đến cho các em những vần thơ đẹp, mang ý nghĩa giáo dục, đạo đức, thẩm mỹ... thông qua những phát hiện, liên tưởng sáng tạo với những cách nhìn khác lạ, hồn nhiên.
Đây là cái nhìn ngơ ngác, đầy thắc mắc đáng yêu khi trẻ em soi gương của Vũ Ngọc Bình: Gương ơi, tài thế/ phép gì bên trong?Đây là cách gọi mang chất thi ca về rừng cọ của Nguyễn Viết Bình: Tôi yêu thường vẫn gọi? Mặt trời xanh của tôi. Đây là cách nói rất thơ của Quang Khải: Con phà thì cõng ô tô/ Chú bộ đội cõng ba lô lên phà/ Bố cõng con...kịp tới nhà/ Nhỡ sông không cõng con phà thì sao? Đây là cách nhìn trăng theo nhận thức, hoàn cảnh của mỗi người của Lê Hồng Thiện: Mẹ bảo: Trăng như lưỡi liềm/ Ông rằng trăng tựa con thuyền cong mui/ Bà nhìn như hạt cau phơi/ Cháu cười: Quả chuối vàng phơi ngoài vườn/ Bố nhớ khi vượt Trường Sơn/ Trăng như cánh võng chập chờn trong mây.
Tác giả Mắc-sắc có một cách nói ngộ nghĩnh và độc đáo. Ông phát hiện ra cái điều mà ai cũng biết nhưng chưa ai nói tới qua bài thơ Hai con cú. ?y là chuyện của hai con vật khi nó ngủ đương nhiên nó không ăn, khi nó ăn đương nhiên nó không ngủ, cũng như khi đã làm việc này rồi thì khó lòng làm được việc khác cùng một lúc. Bài thơ đem đến cho người đọc sự thú vị bởi một hồn thơ thông minh, dí dỏm:
Tôi là anh em nhà cú
Tôi đứng bằng hai chân
Khi ăn, tôi không ngủ
Khi ngủ, tôi không ăn.
Tác giả Xuân Quỳnh luôn có một cách nói rất thơ và rất thuyết phục trên cái nền yêu thương con trẻ sâu sắc:
Bông hoa làm bằng Tết
Tết làm bằng hương thơm
Con làm bằng yêu thương
Của cha và của mẹ
Của bà và của ông...
Trong tuyển tập thơ này, tôi đặc biệt thích những câu thơ rất nhân bản của Tô Hà, Trần Ninh Hồ. Bài thơ Chuyện ở lớp của Tô Hà nhắc các em không nên nhớ điều dở, điều xấu của người khác, chỉ nên nhớ điều hay:
Vuốt tóc con, mẹ bảo:
-Thôi đừng kể đâu đâu
Nói mẹ nghe ở lớp
Con đã ngoan thế nào.
Bài thơ Có ba chàng lớp một của Trần Ninh Hồ nhắc các em không nên giận dỗi, xa lánh nhau và hãy đoàn kết, gắn bó với nhau. Cuối bài thơ, tác giả ước ao:
Uớc gì chuyện giận dỗi
Mãi là"chuyện lâu rồi"!
Tác giả trẻ nhất trong tuyển tập là Đặng Chân Nhân. Năm nay, em mới 11 tuổi và viết hai bài thơ Gia đình và Cần phải làm gì? khi mới 7-8 tuổi. Có lẽ chỉ ở tuổi thơ ấu, Đặng Chân Nhân mới có cái nhìn khác lạ về gia đình khi "kết nạp" đồ chơi, biến đồ chơi thành những thành viên trong gia đình. Sau khi điểm danhbà, bố, mẹ và chị, Nhân điểm danh thêm ngựa, gấu và cánh cứng ( 3 đồ chơi). Rồi Nhân liên hệ gia đình này với trái đất và các vì sao:
Em có một gia đình
Gia đ ình đó gồm có:
-Bà, bố, mẹ, chị, em
Và ba em khác nữa
Bà là một sao Mộc
Bố là một Trái Đất
Mẹ là một sao Kim
Chị là một sao Thủy
Em là sao Diêm Vương
Nhưng vẫn còn ba em:
Ngựa, Gấu và Cánh Cứng
Ngựa là sao Thiên Vương
Gấu là một sao Hỏa
Cánh Cứng - sao Hải Vương
Đó là một gia đình!
Lam Điền