Thành công nhờ làm chủ công nghệ
Công nghệ - Ngày đăng : 06:36, 26/12/2014
Ngày 17-7-2014, trong lễ thượng cờ tại Vùng 2 Hải quân, quốc kỳ và hải kỳ đã tung bay trên nóc cabin thượng tầng của hai tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya HQ-377 và HQ-378. Đây là cặp tàu tên lửa đầu tiên do Việt Nam tự đóng mới. Việc đóng mới thành công 2 tàu tên lửa nói trên là kết quả việc thực hiện thắng lợi chủ trương "Hiện đại hóa trang thiết bị cho lực lượng hải quân" của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng quyết tâm cũng như kết quả của việc làm chủ công nghệ và sáng tạo của các cán bộ, kỹ sư, công nhân Tổng Công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng). Đây cũng là thành quả của 10 năm chuẩn bị và là nỗ lực của hàng nghìn con người trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc.
Tàu tên lửa HQ-377 do Việt Nam tự đóng mới đã đi vào hoạt động.Ảnh: My Lăng |
Tàu tên lửa lớp Molniya có lượng giãn nước hơn 500 tấn, dài khoảng 56m, thủy thủ đoàn 42 người. Tàu trang bị pháo hạm AK-176, 16 tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran, 2 tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh AK-630 và tên lửa đối không tầm thấp. Tàu có nhiệm vụ tiêu diệt các đội tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ của ta; thực hiện nhiệm vụ trinh sát, nhận biết các tình huống trên không và trên biển... Tàu có thiết kế phức tạp, được tích hợp nhiều giải pháp công nghệ cao và đòi hỏi nhiều trang thiết bị đặc chủng trong gia công, lắp đặt, thử nghiệm... Lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhưng công trình đã thể hiện nhiều tính mới, tính sáng tạo độc đáo, tính hiệu quả và khả năng ứng dụng tốt.
Để có thể đưa hai tàu chiến hiện đại nói trên vào hoạt động, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của Tổng Công ty Ba Son đã thể hiện tính sáng tạo trong việc làm chủ công nghệ chuyển giao để có thể thực hiện sản phẩm theo điều kiện sẵn có. Được sản xuất, lắp ráp ở những nơi khác nhau, thân vỏ tàu được chế tạo theo từng giai đoạn, vận chuyển tới 20km để tới nơi lắp ráp, hạ thủy. Nổi bật trong những nỗ lực làm chủ công nghệ và sáng tạo là việc áp dụng công nghệ mới, thiết bị Easy laser vào việc xác định chuẩn, cân chỉnh, kiểm tra, lắp đặt các thiết bị vũ khí, vừa bảo đảm độ chính xác cao, chất lượng sản phẩm, vừa chủ động trong việc bảo đảm kỹ thuật trong quá trình khai thác sử dụng và tiết kiệm ngoại tệ. Tập thể các nhà khoa học, công nhân viên tham gia dự án đã nghiên cứu sử dụng lưới làm bằng sợi Polypropylene có tại thị trường trong nước để chế tạo lưới lọc khí hệ thống máy chính với các chỉ tiêu kỹ thuật (ngăn nước mặn, bụi và các mảnh đạn bay vào động cơ turbin) tương đương như của nước ngoài. Trong khi đó, các trang thiết bị trinh sát, phát hiện tác nhân phóng xạ trang bị cho tàu cũng được tìm tòi từ nguồn cung trong nước, được nhiệt đới hóa, có tính năng, độ tin cậy tương đương của nước ngoài nhưng có giá thành thấp hơn đáng kể. Trong khi đó, việc làm chủ công nghệ, hiểu rõ các yêu cầu và nội dung của từng bài thử trong quá trình thử kiểm tra tính năng kỹ chiến thuật trước khi bàn giao tàu đã giúp Tổng Công ty Ba Son chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thử tàu theo từng cặp một cách sáng tạo, hợp lý và hiệu quả.
Việc làm chủ công nghệ đóng tàu đã góp phần bảo đảm đúng tiến độ, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Thành công này khẳng định sự đột phá về làm chủ công nghệ, làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực đóng tàu quân sự của Việt Nam, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công nhân kỹ thuật, uy tín của Tổng Công ty Ba Son nói riêng và của nền công nghiệp quốc phòng nói chung. Công trình đã tạo điều kiện bảo đảm duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, đồng thời tạo động lực để các nhà khoa học trong quân đội tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành KH&CN quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.