Công tác tổ chức - cán bộ: Khó khăn và cơ hội đổi mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 25/12/2014

(HNM) - Nhiều yêu cầu đổi mới về công tác cán bộ đã được đặt ra tại hội nghị chuyên gia nhằm góp phần tổng kết 30 năm đổi mới công tác tổ chức - cán bộ (TCCB) do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ tổ chức mới đây. Trong bối cảnh các cấp ủy Đảng đang tập trung làm công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng, những vấn đề đang đặt ra cần được sớm nghiên cứu, vận dụng...

Nhiều đột phá nhưng vẫn còn hạn chế

Gần 30 năm đổi mới, công tác TCCB các cấp đã đóng góp to lớn cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", nên thành tựu mà đất nước có được như ngày hôm nay phần nào phản ánh kết quả trong công tác TCCB. Công tác luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ trong vòng 10 năm trở lại đây đã dần đi vào nền nếp. Nguồn cán bộ cũng ngày càng dồi dào, được đào tạo cơ bản hơn. Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, trong các khóa IX, X và XI, hơn 100 cán bộ TƯ đã được luân chuyển về các địa phương đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều người trở thành ủy viên TƯ Đảng, bộ trưởng... Dấu ấn đổi mới về công tác cán bộ trong khóa XI là khi lần đầu tiên Đảng ta làm công khai quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là các ủy viên TƯ Đảng, ủy viên Bộ Chính trị. Đây cũng là nhiệm kỳ đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch. Đến nay, TƯ đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng tập trung cho hàng trăm cán bộ dự nguồn cao cấp...

Tuy nhiên, những hạn chế còn tồn tại trong công tác TCCB rất đáng quan tâm. Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương cho rằng, công tác cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải chủ động và bài bản hơn. "Bố trí cán bộ 10 tỉnh sai có thể sửa, văn bản của Bộ Chính trị sai cũng có thể sửa, nhưng bố trí cán bộ cấp chiến lược sai rất khó sửa" - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh. Trong khi đó, thành viên Tổ giúp việc cho Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) Nguyễn Đức Hà nhận định: "Sau 30 năm, tình hình rất mới nhưng phương pháp công tác, tổ chức bộ máy lĩnh vực TCCB lại ít thay đổi. Chuẩn bị nhân sự không cần nhiều quy trình, nhưng trên thực tế quy trình "chi chít" mà vẫn để lọt cán bộ tốt".

Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm cũng cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương còn chung chung. Một số nơi vẫn hẫng hụt, bị động trong quy hoạch cán bộ. Có nơi đã làm quy hoạch, nhưng khi chọn cán bộ lúng túng, dẫn đến phải chọn cán bộ ngoài quy hoạch. Hạn chế trong công tác quy hoạch cán bộ ở nhiều nơi là còn thiếu tầm nhìn

xa, bó hẹp ở từng ngành, từng địa phương, chưa liên thông được cấp dưới, cấp trên. Công tác quy hoạch cần vừa động, vừa mở, nhưng có nơi không chịu rà soát thường xuyên. Luân chuyển cán bộ tuy có nhiều thành quả, nhưng vẫn bị khép kín, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Một số trường hợp luân chuyển không rõ định hướng, dẫn đến sau luân chuyển sắp xếp rất khó khăn. Thậm chí có nơi còn biểu hiện lệch lạc, lợi dụng luân chuyển để đẩy người không "ăn cánh" đi nơi khác. Luân chuyển ngang từ bộ sang bộ, từ tỉnh này sang tỉnh kia còn rất ít. Luân chuyển cán bộ không phải người địa phương theo Kết luận 24 của Bộ Chính trị chưa có các quy định cụ thể...

Đổi mới từ con người đến cơ chế

Để khắc phục những vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ từ chính những cơ quan tham mưu, giúp việc cho các cấp ủy về công tác TCCB. Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, muốn có cán bộ tham mưu tốt về công tác TCCB, các cấp ủy phải đi tìm, chứ không nên lấy người xin về. Cùng chung ý này, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng khẳng định, các cấp ủy phải đề ra tiêu chuẩn để tuyển chọn và phải xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp giúp cán bộ tham mưu yên tâm công tác.

Dẫn chứng về cách làm công tác cán bộ thường diễn ra gần đây là để bảo đảm sự tập trung, thường vụ, thường trực cấp ủy chọn cử một người vào vị trí cần tìm, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh, một nguyên tắc quan trọng phải có trong quá trình thực hiện công tác cán bộ là vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vừa phát huy được dân chủ. Do vậy, một trong những biện pháp cần làm là xây dựng cho được chính sách tiến cử cán bộ tốt cho Đảng, trong đó, phải làm rõ được cơ chế tiến cử cụ thể, ai được tiến cử, rồi sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét ra sao... Đồng quan điểm trên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung đề nghị, cần phải dựa vào dân để dân tiến cử cán bộ cho Đảng. Có như thế, ý Đảng và lòng dân mới thống nhất, công tác TCCB mới mạnh. Về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Phó Trưởng ban Nguyễn Thế Trung cho rằng, không được né tránh, mà cần phải quy hoạch theo chức danh và đề nghị TƯ Đảng sớm tổng kết những nơi nhân dân bầu trực tiếp trưởng thôn, trưởng bản, những nơi thí điểm bầu trực tiếp bí thư, chủ tịch để làm căn cứ đổi mới công tác TCCB...

Rõ ràng, yêu cầu đổi mới cán bộ đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong khi đại hội Đảng các cấp đang đến gần, đổi mới công tác TCCB vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các cấp ủy tập trung thực hiện, tạo chuyển biến tích cực.

Võ Lâm