Thắt chặt quan hệ đồng minh
Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 25/12/2014
Nhưng sâu xa hơn, trong bối cảnh vai trò trung gian của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông đang lung lay và người đồng minh thân cận Israel có chiều hướng tìm kiếm những mối quan hệ đối tác khác thì văn bản trên là một cách để gắn kết mối quan hệ Mỹ - Israel đang có nhiều khác biệt.
Theo đạo luật Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Israel 2014, hai nước sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, năng lượng, nghiên cứu và phát triển, kinh doanh, nông nghiệp, quản lý nguồn nước và học thuật. Đạo luật sẽ khiến tổng giá trị kho vũ khí của Mỹ tại Israel tăng thêm khoảng 200 triệu USD, lên mức 1,8 tỷ USD, nhờ đó Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chuẩn bị tốt hơn cho các chiến dịch quân sự tại Trung Đông. Văn kiện cũng cho phép Israel sử dụng vũ khí trong trường hợp khẩn cấp như thực hiện chiến dịch "Bảo vệ biên giới" tại Dải Gaza mùa hè vừa qua.
Theo giới bình luận quốc tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel thời gian gần đây đã xuống thấp chưa từng thấy khi hai vấn đề trọng tâm là chính sách tái định cư và chương trình hạt nhân Iran không tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt hai nước càng bị đẩy ra xa khi tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian đứng trước nguy cơ đổ vỡ mà nguyên nhân chính là cuộc tấn công của quân đội Israel vào Dải Gaza hồi tháng 8 vừa qua. Mới đây nhất, Washington đã bày tỏ bất bình đối với những câu trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi chỉ trích quan điểm của Nhà Trắng trong vấn đề Tel Aviv tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine.
Phải nói rằng hiếm khi nào Mỹ và Israel lại có sự bất đồng quan điểm lớn như vậy trong vấn đề hòa bình Trung Đông hay cách ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế. Thái độ của Israel khiến giới quan sát cho rằng Tel Aviv, vốn là cánh tay nối dài của Mỹ tại Trung Đông, muốn thoát khỏi sự kiểm soát và điều khiển của nhà bảo trợ lớn nhất này. Việc Israel có xu hướng thân thiết hơn với các cường quốc khác như Nga hay Trung Quốc, vốn được coi là đối trọng của Mỹ khiến Washington phải cẩn trọng hơn. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Israel, đặc biệt là về công nghiệp quốc phòng gây lo ngại cho xứ Cờ hoa bởi Israel được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ cao trong quân sự. Dù giới chức cấp cao của Mỹ và Israel đã nhiều lần khẳng định quan hệ đồng minh, gần gũi giữa hai nước không thay đổi nhưng hàng loạt diễn biến cho thấy mối liên kết khăng khít này đang có nhiều dấu hiệu bị nới lỏng. Sự nghi ngờ càng rõ ràng hơn qua phản ứng của Israel về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ai cũng biết rằng, lập trường của Mỹ luôn đối ngược với Nga trong vấn đề này. Thế nhưng, trong nhiều tuyên bố công khai, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman đều thể hiện thái độ trung lập. Israel khẳng định, lợi ích của nước này gắn liền với việc giải quyết vũ khí hóa học ở Syria và chương trình hạt nhân Iran, nơi Nga có vai trò mang tính quyết định. Vì thế với quốc gia Trung Đông này, một cuộc đối đầu với Nga có thể ảnh hưởng đến an ninh của Israel. Trong bối cảnh đó, đạo luật Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Israel ra đời như một cách thắt chặt hơn mối quan hệ đồng minh.
Trên thực tế, Mỹ và Israel đã phát triển một mối quan hệ "độc nhất" trong hơn 50 năm qua với việc Washington giữ cam kết bảo đảm an ninh của quốc gia Trung Đông này. Nói cách khác, trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ của nhà nước Do Thái hiện đại, quan hệ Mỹ - Israel hầu như luôn khăng khít. Mỹ luôn là quốc gia bảo trợ cho Israel mặc dù nhà nước Do Thái đã có không ít chính sách và hành động cứng rắn khiến khu vực Trung Đông thêm bất ổn. Trong khi đó, cho dù có mức độ ảnh hưởng bao trùm tại Trung Đông, nhưng hiện nay có lẽ chỉ duy nhất Israel là đồng minh thực sự của xứ Cờ hoa tại khu vực này. Do vậy, Israel luôn nhận viện trợ của Mỹ nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác - hơn 3 tỷ USD/năm, chiếm hơn một nửa viện trợ quân sự rải cho những "điểm nóng" trên khắp thế giới được Nhà Trắng quan tâm. Ngược lại, Israel không bao giờ muốn mất đi hay bị suy giảm sự ủng hộ của cường quốc số 1 thế giới. Đạo luật Quan hệ đối tác chiến lược vừa được thông qua là một chỉ dấu nữa cho thấy cả hai nước đều không sẵn sàng cho một sự thay đổi mối quan hệ khăng khít mà đến hiện tại vẫn phục vụ cho lợi ích của hai quốc gia.