Hoàn thiện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:03, 30/11/2022

(HNMO) - Sáng 30-11, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo: “Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”.

 Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung ở Việt Nam, hoạt động thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ từ các viện, trường cũng như trao đổi và để xuất những giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi chính sách trong thời gian tới.

Theo TS Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Ươm tạo và hát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ), chính sách phát triển hệ thống các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đang ngày càng được hoàn thiện với việc ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Gần đây nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN ngày 11-12-2020 hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Hiện cả nước có gần 50 cơ sở ươm tạo trong các lĩnh vực về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến thực phẩm, máy cơ khí, tự động hóa; hơn 70 không gian làm việc chung... Tuy nhiên, các cơ sở này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn để tạo sức hút thực sự đối với doanh nghiệp. 

Theo quy định, các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư..., nhưng để được hưởng các chính sách ưu đãi, cần có cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thẩm định, chứng nhận thì khi đó việc hưởng ưu đãi, hỗ trợ mới được thực hiện. Việc thiếu các quy định thẩm định, chứng nhận và hướng dẫn hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã làm quá trình thực hiện chính sách kém hiệu quả. Đây chính là điều mà cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu đề hoàn thiện chính sách.

 Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết, tính đến tháng 11-2022, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 135 doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng chưa có doanh nghiệp nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo. Phần lớn các doanh nghiệp đều “tự ươm”.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và đã triển khai một số chính sách để hỗ trợ các cơ sở ươm tạo. Tuy nhiên, thành phố chưa bố trí được quỹ đất để hình thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và cũng chưa phê duyệt đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc) do phải chờ tổ chức bộ máy của Sàn Giao dịch công nghệ hoàn tất.

Thu Hằng