Chặn tạp chất ngay từ ”gốc”

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 24/12/2014

(HNM) - Tình trạng bơm tạp chất để tăng trọng lượng tôm đang lan tràn ở một số địa phương. Đáng nói, đây không phải là hành động tự phát của người nuôi trồng thủy sản mà do các cơ sở chế biến thực hiện theo yêu cầu của thương lái nước ngoài.


Chuyện nghe như đùa nhưng là thật 100%, được đại diện các cơ quan chức năng khẳng định và lên tiếng cảnh báo tại một hội nghị do Bộ NN&PTNT và Bộ Công an tổ chức mới đây. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, sau khi được bơm tạp chất chủ yếu là agar (bột rau câu) trọng lượng của tôm tăng khoảng 15-20%. Nhờ đó, mỗi kilôgam sẽ lãi bất chính thêm gần 100 nghìn đồng. Chính vì mức lợi nhuận quá cao nên tình trạng bơm tạp chất có dấu hiệu lan rộng. Thậm chí, theo phản ánh, một số cơ sở chế biến cá đã chuyển sang chế biến tôm và đầu tư dây chuyền bơm tạp chất; đồng thời cản trở, đe dọa cán bộ của các cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và đó là thông tin không mấy vui vẻ cho ngành thủy sản nước nhà. Bởi lẽ, việc kiểm soát tạp chất, đặc biệt là dư lượng hóa chất kháng sinh là yêu cầu hết sức khắt khe từ các nhà nhập khẩu lớn, "khó tính" trên thế giới. Các quốc gia này thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ những lô hàng nhập khẩu và lập tức có cảnh báo, dừng nhập khẩu nếu không bảo đảm chất lượng. Ngành nuôi trồng thủy sản, nông dân nước nhà đã tốn không ít thời gian, công sức để xây dựng, khẳng định thương hiệu của một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Việc thương lái nước ngoài khuyến khích bơm tạp chất vào tôm rồi mới mua, vì thế là lợi bất cập hại. "Hành động lạ" của các thương lái nước ngoài nêu trên có thể làm dấy lên nghi ngờ. Và nghi ngờ này là có cơ sở bởi sau khi nhập tôm Việt Nam, thương lái nước ngoài có thể chế biến rồi xuất khẩu sang nước thứ ba. Khi cơ quan chức năng nước thứ ba phát hiện tạp chất trong sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu nhập tôm từ Việt Nam sẽ "đánh bùn sang ao", công bố nguồn gốc tôm là từ quốc gia khác. Hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng hóa quốc gia, khiến các đối tác lớn dè chừng, khiến bao công sức, nỗ lực của cơ quan chức năng và người nông dân trong nhiều năm qua đứng trước nguy cơ… đổ xuống sông, xuống bể.

Để chặn đứng hành vi buôn bán nói trên, theo các cơ quan chức năng, cần có hình thức xử phạt hành chính đủ sức răn đe, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh gian lận thương mại. Đó là việc làm cần thiết để bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm trong nước, bảo vệ người nuôi trồng thủy sản. Nó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ cơ quan chức năng mà cả chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có thể xây dựng những "rào cản" thương mại như buộc đối tác nước ngoài phải kiểm tra, công nhận chất lượng mới cho thông quan, xuất khẩu. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có những giải pháp chủ động từ gốc, kiên quyết nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng thay vì dễ dãi để rồi phải đi… đuổi gà!

Nguyễn Đức