Vụ sập hầm thủy điện: Lực lượng cứu hộ đông nhưng còn lúng túng

Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 23/12/2014

(HNM) - Chiều 22-12, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức họp báo rút kinh nghiệm công tác ứng cứu vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các huyện, ban chỉ huy cứu nạn, các đơn vị có liên quan, chủ đầu tư, hai đơn vị thi công.


Tại đây, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư hiện tại dự án thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, thuộc Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex) thay mặt công ty xin lỗi các công nhân, nhân dân và cơ quan chức năng vì sự cố đáng tiếc.

Chúc mừng các nạn nhân xuất viện.


Bài học cho công tác cứu nạn

Sau khi xin lỗi, ông Võ Nhật Thăng cho biết, Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội tiếp nhận lại dự án từ Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5. Hạng mục hầm dẫn nước, trước đây do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex. Địa hình khu vực thi công đường hầm yếu, nhà thầu đầu tiên là Công ty Lũng Lô đã đầu hàng. Đơn vị tiếp theo là Công ty Vinavico thi công. Khi đơn vị này đang thi công thì xuất hiện sụt lún, không khắc phục được nên phải dừng và chuyển cho Công ty Sông Đà 505 tìm phương án thi công. Khi Công ty Sông Đà 505 tiếp quản công trường thì đường hầm đã ngừng thi công hơn 10 tháng và chưa gia cố lại. Điều này làm kết cấu hệ thống chống đỡ bị yếu dần. Sau một mùa mưa, tác động của ngoại lực lên hệ thống chống đỡ càng lúc càng lớn và khiến xảy ra sự cố.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, cần phải xem xét việc tuân thủ tất cả các quy trình trong thi công, đặc biệt là thi công các công trình thủy điện, hầm, từ khâu khảo sát, thiết kế, đến biện pháp thi công…

Theo báo cáo của ngành chức năng Lâm Đồng, vị trí đoạn hầm bị sập cách cửa nhận nước khoảng 500m, đoạn bị sập dài 35m, (tổng chiều dài đường hầm là 720m), đã thi công từ cửa vào thượng lưu được khoảng 600m và từ hạ lưu lên 30m phía cửa ra. Khi xảy ra sự cố đã có tổng cộng 750 người thuộc 11 lực lượng trung ương và 21 lực lượng địa phương làm việc 24/24h để giải cứu 12 nạn nhân.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, thành công lớn là không chỉ cứu hộ thành công 12 công nhân mà các lực lượng cứu nạn cũng an toàn dù điều kiện khu vực rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, Thiếu tướng Sơn thẳng thắn chỉ rõ, lực lượng nhiều nhưng có lúc phương án chưa tối ưu, lúng túng. Đồng quan điểm, Đại tá Phan Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng nói: "Có những lúc chúng ta bàn bạc đến căng thẳng. Ban đầu việc tổ chức sở chỉ huy chưa tốt, nhiều khi mang tính tự phát, chưa rõ ràng. Việc phong tỏa hiện trường cũng chưa tốt, nên rối trong công tác cứu nạn. Về hậu cần thì bảo đảm, nhưng cũng chưa có thống nhất chung".

Từ đó các đại diện sở, ngành cho rằng, bài học kinh nghiệm quan trọng là việc đòi hỏi sự thống nhất trong chỉ huy. Dù có nhiều phương án nhưng khi đã quyết định thì phải tuân thủ sự chỉ đạo của chỉ huy, tôn trọng phương án của chỉ huy. Đây là điều cần rút kinh nghiệm để đối phó với các sự cố sau này.

Khởi tố, xử lý nghiêm khi có kết luận điều tra

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã lấy mẫu địa chất tại khu vực xảy ra vụ sập hầm thủy điện đưa đi giám định. Hiện công an tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác và các bộ, ngành khác có liên quan để phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, khẩn trương điều tra. "Đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng. Khi chúng tôi xác định nguyên nhân vụ việc, mức độ thiệt hại và trên cơ sở xác định nguyên nhân, khám nghiệm hiện trường, giám định chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công… căn cứ vào các quy định pháp luật, chúng tôi khởi tố vụ án, bị can theo quy định pháp luật", ông Sơn nói.

Cùng ngày, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiến nghị Thủ tướng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm. Trước hết, đình chỉ thi công, phong tỏa hiện trường và hồ sơ công trình để phục vụ việc giám định. Theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, sự cố sập hầm dẫn thủy điện Đa Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm giám định nguyên nhân sự cố. UBND tỉnh Lâm Đồng có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết. Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nên căn cứ điểm a, khoản 1, điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình này.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, về quản lý chất lượng công trình, quy định khá rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế, kiểm tra nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình, các nhà thầu chịu trách nhiệm phần việc do mình thực hiện liên quan đến chất lượng công trình. Khi có kết quả điều tra sẽ phân định rõ trách nhiệm các bên tham gia quản lý, thực hiện hoạt động xây dựng, từ đó xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư, các nhà thầu phải khắc phục hậu quả trước khi cơ quan thẩm quyền xem xét việc có cho phép tiếp tục thực hiện dự án hay không.

Để bảo đảm chất lượng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, ngăn ngừa sự cố như thủy điện Đa Dâng, ông Dũng cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng, hướng dẫn Luật Xây dựng 2014 với nhiều nội dung đổi mới, trong đó phân định rõ và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với công trình chuyên ngành như ngành xây dựng với công trình dân dụng, ngành công thương với thủy điện... Bộ Xây dựng cũng sẽ đề nghị Bộ Công thương và UBND các tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát hoạt động đầu tư, quản lý chất lượng từ khảo sát, thiết kế đến thi công, nghiệm thu. Trường hợp phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thanh Tàu - Tiến Thành - Y Linh