Sớm giải quyết dứt điểm

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:32, 22/12/2014

(HNM) - Thông tin đến đường dây nóng Báo Hànộimới, chị Trần Thị Nguyên (trú tại số nhà 115, A9, ngõ 99 phố Vọng Hà, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Gần 6 tháng nay, chủ hộ và người thuê phòng 215 liên tục tái diễn hành vi đục phá trần nhà vệ sinh phía trên nhằm cố tình cho nước và chất thải xả thẳng xuống công trình phụ nhà chị, khiến cho việc sinh hoạt thường nhật của gia đình bị ảnh hưởng, ô nhiễm nặng nề. Thế nhưng, đến nay UBND phường Chương Dương vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trần công trình phụ phòng 115, A9 phố Vọng Hà bị gia đình phía trên liên tục đục thủng…


Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc chủ hộ cùng người thuê phòng 215, A9 phố Vọng Hà, phường Chương Dương liên tục có hành vi đục phá trần nhà vệ sinh phía trên căn phòng 115 là do hệ thống thoát nước thải sinh hoạt của gia đình này bị vỡ, tắc lâu ngày không thể sử dụng. Trước tình trạng nước thải không lối thoát, ngày 3-3-2013, chủ căn phòng 215 đã thỏa thuận với gia đình phía dưới xin được cải tạo, lắp đặt lại hệ thống thoát nước đi qua công trình phụ của căn phòng 115, A9 phố Vọng Hà, phường Chương Dương. Thế nhưng, do phát sinh yêu cầu trong quá trình thi công, sửa chữa, chủ căn phòng 215 đề nghị được đấu nối hệ thống thoát nước vào bể phốt của căn phòng 115 nhưng không được chủ căn phòng này nhất trí nên thỏa thuận hai bên không thành. Cũng chính vì lý do này, giữa hai gia đình bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, nhất là phía chủ hộ phòng 215 thường có những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật và gây mất ANTT tại khu dân cư. Cụ thể, từ tháng 7-2014 đến đầu tháng 12-2014, chủ hộ và người thuê căn phòng 215 đã nhiều lần chửi bới, đe dọa và tiếp tục cho đục phá trần nhà vệ sinh phía trên căn phòng 115; cố tình để nước và chất thải chảy thẳng xuống khuôn viên phía dưới. Sự việc này khiến cho một số thiết bị, đồ điện tử trong công trình phụ của gia đình chị Nguyên bị hư hỏng, thiệt hại ước tính lên đến hàng chục triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, do thường xuyên phải hứng chịu các loại chất bẩn xả xuống, gần nửa năm nay gia đình chị Nguyên không ai có thể yên ổn sống trong ngôi nhà của chính mình, sinh hoạt thường nhật bị ảnh hưởng, xáo trộn nghiêm trọng. Không giấu nổi bức xúc, chị Nguyên cho biết: Đất của gia đình tôi đã được UBND quận Hoàn Kiếm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, bể phốt lại do gia đình tôi xây dựng nên tôi có quyền không cho chủ hộ căn phòng 215 sử dụng chung. Việc hộ gia đình ở căn phòng 215 khi chưa được sự đồng ý của tôi đã cố tình đục phá trần nhà vệ sinh, xả chất thải xuống nhà tôi chẳng khác gì hành vi phá hoại tài sản của công dân…

Ngày 15-12, chị Nguyên mời UBND và công an phường vào kiểm tra, lập biên bản về hành vi phá hoại tài sản, gây ô nhiễm môi trường của người thuê phòng 215, tuy nhiên ngay sau khi đại diện chính quyền và lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại tái diễn việc xả chất bẩn xuống nơi sinh hoạt của gia đình chị.

Theo Điều 273 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp thoát nước…, nhưng phải đền bù nếu không có được các thỏa thuận khác. Như vậy, khi chưa được sự đồng ý của chủ hộ căn phòng 115 (phía dưới) thì chủ hộ hoặc người thuê căn phòng 215 đã có hành vi đục phá trần công trình phụ, xả chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường của các hộ liền kề là không chấp nhận được. Chẳng lẽ UBND phường Chương Dương, các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm lại "bó tay", không có biện pháp giải quyết triệt để sự việc này?

Nguyên Hà