Khúc quân hành trên những dặm đua
Thể thao - Ngày đăng : 07:26, 22/12/2014
Làng xe đạp Việt Nam trong năm 2014 đã thực sự sôi động với hai giải đấu đường trường chứa đựng đầy khó khăn, thử thách và đều mang ý nghĩa chính trị to lớn, cùng do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Giải đầu tiên là cuộc đua xe đạp Về Điện Biên Phủ vào tháng 4 kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Giải tiếp theo là "Xuyên Việt - Cúp Quốc phòng Việt Nam", kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Để tổ chức những giải đấu trên, như dân trong nghề thừa nhận, nếu không phải do lực lượng quân đội tổ chức thì khó thành bởi sức người, sức của đổ vào hai cuộc đua trên là không ít.
Cuộc đua "Về Điện Biên Phủ" ít chặng đua (6 chặng) nhưng lại cùng lúc tổ chức cho các đội nam (13 đội) và nữ (9 đội). Còn cuộc đua "Xuyên Việt - Cúp Quốc phòng Việt Nam" dù chỉ tổ chức cho các đội nam nhưng đông đội đua (17 đội trong đó có 2 đội nước ngoài là Lào và Campuchia). Cuộc đua còn gây chú ý ở hành trình thi đấu và di chuyển dài nhất từ trước đến nay trong các giải đua xe đạp ở Việt Nam. Bắt đầu từ Cà Mau và kết thúc ở Cao Bằng, cuộc đua trải qua 12 chặng với 1.292km và trên 1.000km di chuyển vào những ngày không thi đấu. Riêng đội mô tô dẫn đường và làm các nhiệm vụ khác, BTC giải đã phải huy động 2 CLB mô tô thể thao của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thay nhau dẫn nửa cuộc đua để bảo đảm an toàn cho chính các thành viên của các CLB mô tô thể thao trên.
Trước cuộc đua này, cả 15 đội đua của Việt Nam vừa trải qua hành trình thi đấu căng thẳng tại đại hội TDTT toàn quốc. Nghỉ ngơi được ít ngày, các tay đua lại tham dự cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt - Cúp Quốc phòng Việt Nam". Nhiều người đã lo ngại cho sự hồi phục của các đội đua nhưng ngay từ trước giải, các đội đều xác định tham gia và thi đấu hết mình, như cách thể hiện hành động thiết thực cho ngày lễ trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tất nhiên, các đội cũng không dám chắc về sự kịch tính hay chuyên môn cao. Nhưng rồi sau những chặng đua, trải qua cả những nắng, gió, mưa, rét ở ba miền, sự kịch tính càng đẩy lên cao, đến nỗi chính người trong cuộc cũng không ngờ. Đến trước chặng cuối, chính thức từ Bắc Kạn đi Cao Bằng, những danh hiệu cá nhân đáng chú ý nhất như Áo vàng, Áo xanh, Áo đỏ đều chưa có chủ và vẫn trong vòng tranh chấp. Có đi theo đoàn đua, có gặp những đội đua mới thấy sự cạnh tranh chuyên môn của cuộc đua mang ý nghĩa chính trị này nóng bỏng đến nhường nào ở giai đoạn cuối. Như tâm sự của HLV đội đua TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Cực thì: "Đua ở ngoài Bắc dịp giá rét là thử thách khắc nghiệt với các đội đua miền Nam, từ VĐV đến người tiếp tế. Nhưng cuộc đua về chuyên môn của giải xem ra còn khắc nghiệt hơn. Đấy là điểm nhấn của giải năm nay". Để rồi ở vòng đua cuối, thứ tự Áo vàng (cho tay đua thi đấu ít thời gian nhất), Áo đỏ (cho tay đua leo đèo tốt nhất) đã đổi chủ ngoạn mục, đầy bất ngờ. Cuộc lên ngôi vô địch cá nhân của tay đua Đỗ Tuấn Anh (Dược Domesco Đồng Tháp) sẽ còn được nhắc đến nhiều trong lịch sử xe đạp Việt Nam khi trước chặng áp chót chính thức, Tuấn Anh chỉ xếp hạng 6, không được xếp vào diện đoạt Áo vàng.
Những ngày cuối năm này, BTC giải đã có thể yên tâm, hài lòng vì cuộc đua đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Từ ý nghĩa chính trị to lớn đến ý nghĩa xã hội (với gần 4 tỷ đồng quà tặng cho các gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội) và cả công tác chuyên môn - tất cả đều trọn vẹn.