Xuất khẩu: Nhiều rào cản phía trước

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 22/12/2014

(HNM) - Kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2014 đạt gần 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.



Đáng chú ý là, cả nước có hơn 20 nhóm hàng đạt KNXK hơn 1 tỷ USD. Riêng KNXK của mặt hàng dệt may có sự duy trì tốt về phong độ, đạt 18,9 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt khoảng 24,5 tỷ USD năm nay, với mức tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua. Đến nay, hàng dệt may vẫn duy trì sự hiện diện tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, với đà tăng trưởng mạnh. Điều này chứng tỏ, khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam ngày càng tăng lên. Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, xuất khẩu dệt may năm nay có thể đạt 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua. Đặc biệt, Chính phủ đang tăng tốc đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương dự định sẽ kết thúc vào năm 2015 - trở thành thời cơ lớn để mở rộng XK cho ngành dệt may. Dự báo, nhờ yếu tố này mà KNXK của ngành sẽ tăng thêm khoảng 5 tỷ USD/năm.


Tuy nhiên, so với dệt may, điện thoại và linh kiện mới là mặt hàng có nhiều đặc điểm vượt trội và diễn biến ngoạn mục, được đánh giá là "trẻ", tăng trưởng nhanh cũng như đạt mức XK cao nhất. Đây là loại hàng chỉ mới xuất hiện từ mấy năm gần đây. KNXK điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 22 tỷ USD, thông qua các thị trường giàu tiềm năng như EU, Châu Mỹ, Trung Đông. Các chuyên gia cho rằng, sẽ còn rất lâu nữa mới có thể xuất hiện một mặt hàng mới lạ và đạt giá trị cao như trường hợp của chiếc điện thoại.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đạt 10,36 tỷ USD, tiếp theo là giày dép các loại, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; gỗ và sản phẩm từ gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo… Tính chung, nhóm hàng của ngành chế biến, chế tạo đã chiếm tới 70% tổng KNXK, thể hiện sự chuyển dịch khá mạnh về cơ cấu hàng XK, theo hướng tăng dần tỷ trọng và giá trị của các mặt hàng có hàm lượng chất xám cao của nền kinh tế.

Đáng lưu ý là, nhờ XK tăng khá so với cùng kỳ nên sau 2 tháng liên tiếp nhập siêu tình hình đã thay đổi vì sang tháng 11 cả nước đã xuất siêu 440 triệu USD. Kết quả này nâng mức thặng dư thương mại của 11 tháng qua đạt 2,88 tỷ USD.

Để vững bước trong chặng đường hoạt động XK năm 2015 cũng cần nhận diện một số vấn đề bất lợi hoặc thực tế chưa đạt mong muốn để phân tích, khắc phục. Trên thực tế, bức tranh XK đến nay vẫn còn một vài điểm "chưa sáng", do nhiều nguyên nhân nhưng cần tập trung điều chỉnh. Đó là, nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam thuộc nhóm nông lâm, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến tại một số thị trường Châu Á; EU, Hoa Kỳ, Châu Phi có biểu hiện giảm sút. Về lý thuyết thì việc thị trường có thể tăng hay giảm chút ít là điều dễ hiểu, phần lớn là theo tác động về sự cân bằng cung - cầu. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý thêm về một số nguyên nhân thuộc về chủ quan. Có ý kiến nhận định, phải chăng hàng lâm, thủy sản của ta đang bị các nước khác có tiềm năng, nhất là các nước Châu Á bám sát và cạnh tranh gay gắt? Hay có phải hàng của ta gặp khó khăn do hàng rào kiểm duyệt ngày càng thận trọng và khắt khe hơn từ phía các nước nhập khẩu? Đây là những vấn đề không mới, nhưng rất cần sự tìm hiểu thấu đáo, phân tích để giải quyết càng sớm càng tốt, ít nhất là cũng để tìm cách đối phó hữu hiệu.

Được biết, đến nay, kết quả XK của khối DN nội đạt mức tăng trưởng 13%, tức cao hơn nhiều so với mức tăng 3,1% của 11 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, XK của cả nền kinh tế nói chung.

Trước việc đồng rouble Nga đang mất giá và có thể ảnh hưởng đến việc XK hàng hóa Việt Nam sang thị trường này, các chuyên gia nhận định, vấn đề chủ yếu là hợp đồng thanh toán giữa các đối tác quy định sử dụng đồng tiền nào. Trong nhiều trường hợp, các bên thường thanh toán bằng USD và như vậy sẽ không ảnh hưởng trực tiếp hoặc thiệt hại cho bên XK. Thậm chí, nếu sau khi đã nhận tiền bán hàng bằng USD, bên XK có thể quy đổi ra đồng rouble để mua hàng hóa từ Nga và sẽ được "vênh" thêm - tức là mua được nhiều hàng hơn so với lúc đồng rouble chưa mất giá. Tuy nhiên, để bảo đảm sự an toàn và cũng là góp phần ổn định tình hình, các DN Việt vẫn tiếp tục chủ động yêu cầu đối tác thanh toán bằng USD. Nhưng trên thực tế, các DN Nga sẽ gặp khó khăn do đồng rouble mất giá, dẫn đến phải giảm mức nhập khẩu hàng hóa nói chung.

Với thực tiễn nói trên, việc XK sang Nga của DN Việt cũng cần được xem xét rất thận trọng. Được biết, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Việt - Nga trung bình đạt khoảng 4 tỷ USD/năm.

Anh Minh