Đừng để nước đến chân mới nhảy

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 22/12/2014

(HNM) - Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước khoảng thời gian rất ngắn nữa, trước khi cùng các nước khác tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến ra đời vào năm 2015.

Cộng đồng AEC sẽ hoạt động theo mô hình mở cửa, tạo điều kiện hội nhập kinh tế đối với hết thảy quốc gia thành viên và tập trung thúc đẩy sự di chuyển của dòng vốn, nguồn lao động trong nội khối. Chính nội dung này sẽ dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi sự sẵn sàng tham dự cuộc chơi một cách chủ động của từng nền kinh tế; nhất là xét từ góc độ doanh nghiệp (DN). Sẽ có những tác động khá mạnh và diễn ra ngay, nhất là xét về vấn đề liên quan đến thuế và tự do trao đổi hàng hóa.

Trước mắt, thuế sẽ giảm dần và gần như cắt giảm mạnh mẽ từ năm 2018. Thời điểm hiện tại, nhiều mặt hàng điện tử, gia dụng, xe máy hoặc ô tô… vốn được chế tạo tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia có chất lượng cao hơn nhưng giá bán lại thấp hơn đang chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam. Đơn cử như trong 2 tháng qua, một số loại ô tô có thương hiệu như Toyota, Suzuki, Honda đã được DN các nước nói trên ra mắt thị trường Việt Nam như một sự thăm dò và được khách hàng đánh giá cao. Bởi hầu hết các mẫu xe này đều hợp túi tiền cũng như kiểu dáng trong cách nhìn của người tiêu dùng Việt Nam.

Nói vậy để thấy một sự cảnh báo về một cuộc cạnh tranh gay gắt đã nhãn tiền, nhưng nhìn chung nhiều DN Việt vẫn chưa thấy hết nguy cơ. Đơn cử, mới có 30% DN quan tâm, biết ít nhiều về các quy định, đặc điểm và lợi ích cũng như bất lợi khi AEC trở thành hiện thực. Thương trường như chiến trường, DN của ta sẽ khó tồn tại nếu vẫn "lừng khừng" trước cuộc đấu đã ở ngay bên thềm. Vì vậy "đừng để nước đến chân mới nhảy".

Kính Lúp