Nhật Bản quyết “giải cứu” nền kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 22/12/2014
Người dân Nhật Bản thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. |
Đây là bước đi táo bạo nhằm gắng đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng nhanh hơn. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế xứ Phù Tang trong quý III-2014 giảm mạnh hơn dự kiến ban đầu. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai Châu Á có thể lâm vào suy thoái. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III đã giảm 0,5% so với quý trước đó, mức giảm mạnh hơn ước tính ban đầu là 0,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Nhật Bản trong quý III giảm 1,9%, cao hơn mức 1,6% ước tính ban đầu. Trong đó, chi tiêu cá nhân vốn chiếm gần 60% GDP của Nhật Bản chỉ tăng ở mức khiêm tốn 0,4%, không thay đổi so với dự kiến; nhập khẩu tăng 0,7%, thấp hơn so với mức dự kiến 0,8%, trong khi xuất khẩu không thay đổi so với dự kiến, tăng 1,3%...
Thực tế, gói kích thích kinh tế khẩn cấp để "giải cứu" nền kinh tế đã được Thủ tướng S.Abe đề cập đến từ tháng 11 vừa qua khi ông chỉ đạo các bộ trưởng lên phương án kích cầu như một phần nỗ lực để kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 vừa qua. Ban đầu, gói kích thích khẩn cấp được dự kiến chỉ ở mức từ 2 đến 3 nghìn tỷ yen nhưng cuối cùng được quyết định ở mức 3,5 nghìn tỷ yen. Toàn bộ khoản chi này được lấy từ khoản tăng thu từ thuế và Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ không phát hành thêm công trái.
Gói kích thích kinh tế khẩn cấp chủ yếu hướng tới việc hỗ trợ chính quyền địa phương phát hành thẻ mua hàng, thẻ du lịch, cấp tiền sửa chữa nhà ở... để kích thích tiêu dùng của người dân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo dự kiến khoảng 1 nghìn tỷ yen sẽ được "rót" cho các địa phương và các địa phương được toàn quyền sử dụng khoản kinh phí hàng trăm tỷ yen để phát hành thẻ mua hàng, thẻ du lịch cho người dân, hỗ trợ người có thu nhập thấp, gia đình đông con, hỗ trợ người dân sửa chữa, xây mới nhà cửa áp dụng công nghệ mới tiết kiệm điện năng... Khoảng 500 tỷ yen cũng sẽ được chuyển cho các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ mua sắm thiết bị tiết kiệm năng lượng. Khoảng 300 tỷ yen khác được đầu tư cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn. Khoảng 1 nghìn tỷ yen được dành cho các hoạt động liên quan tới quá trình tái kiến thiết khu vực Đông bắc bị thảm họa sóng thần năm 2011.
Gói cứu trợ khẩn cấp mới của Nhật Bản được các chuyên gia kinh tế nhận định là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm mạnh do ảnh hưởng của tăng thuế tiêu dùng. Ngay sau khi số liệu tăng trưởng GDP sơ bộ được công bố ngày 17-11 vừa qua cho thấy kinh tế Nhật Bản trong quý III giảm 1,6%, ngay lập tức, Thủ tướng S.Abe đã hoãn tăng thuế tiêu dùng lên 10%, dự kiến bắt đầu áp dụng năm 2015 và thời hạn sẽ được lùi đến tháng 4-2017; đồng giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch. Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) mới đây cũng đã tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng gắn với việc mua tài sản của các ngân hàng để tăng nguồn cung tiền và đưa lạm phát lên 2% trong tài khóa 2015. BoJ vẫn giữ nhận định nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi nhẹ - lợi nhuận doanh nghiệp đạt mức cao và tình hình việc làm cũng như thu nhập được bảo đảm hơn - dù chịu tác động từ việc chi tiêu tiêu dùng yếu sau khi thuế tiêu dùng tăng.
Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều, nhưng phần lớn cử tri xứ Mặt trời mọc vẫn đặt niềm tin vào chính sách phát triển kinh tế Abenomics mà Thủ tướng S.Abe thực hiện hai năm qua. Hy vọng với gói kích thích kinh tế mới không chỉ nền kinh tế xứ Phù Tang sẽ đạt hồi phục bền vững mà còn góp phần giúp kinh tế khu vực đứng vững trước những thử thách khó lường khi giá dầu tiếp tục lao dốc.