Không được để diễn ra tình trạng thoái thác trách nhiệm!

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 22/12/2014

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, 16h30 ngày 19-12, toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng (thuộc cụm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo) tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã được giải cứu sau ba ngày rưỡi cận kề cái chết...

Số phận 12 công nhân đã trở thành tâm điểm chú ý đối với người dân cả nước, các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội những ngày qua. Ngay khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện chỉ đạo huy động mọi lực lượng, khẩn trương triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ. Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các bộ trưởng Xây dựng, Công thương, Y tế có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chủ động vào cuộc kịp thời, "bám" sự cố, triển khai một lực lượng đông đảo để dồn sức cứu người; ngoài ra còn có sự tham gia của rất nhiều đơn vị khác như công binh, y tế... Sau 82 giờ nỗ lực cứu hộ, 12 công nhân bị mắc kẹt, trong đó người cao tuổi nhất sinh năm 1964, người ít tuổi nhất sinh năm 1989, đã được đưa từ cõi chết trở về. Đây là niềm vui lớn không chỉ với 12 công nhân, với người thân, bạn bè của họ mà còn là niềm vui chung của hàng triệu người dân cả nước, những người đã thấp thỏm và từng giây, từng phút dõi theo số phận của họ.

Niềm vui sẽ còn lan tỏa trong mỗi chúng ta, bởi lẽ việc cứu thành công 12 công nhân thể hiện trách nhiệm cao, tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị đối với mỗi số phận con người. Tuy nhiên, đến thời điểm này khi tĩnh tâm nhìn lại vụ việc thì thấy nhiều vấn đề phải được giải mã thấu đáo.

Dự án thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo ban đầu do Tổng Công ty Công trình xây dựng giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, khởi công năm 2003 và dự kiến hoàn thành năm 2006. Tuy nhiên, cuối năm 2006, Cienco 5 chuyển giao dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex). Về đơn vị thi công, hạng mục nhà máy do Công ty cổ phần Sông Đà 10.6 thực hiện; hạng mục hầm dẫn nước trước đây do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô triển khai, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex và hiện do Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công. Theo quy định, để triển khai dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải thực hiện các bước như khảo sát điều kiện tự nhiên, môi trường, đánh giá tác động kinh tế - xã hội… Trong đó, việc khảo sát các điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất… hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để chủ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án, nhà thầu triển khai biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công. Vậy quá trình triển khai, chủ đầu tư, nhà thầu dự án Thủy điện Đa Dâng đã thực hiện việc khảo sát như thế nào?

Nhiều cán bộ tỉnh Lâm Đồng tham gia chỉ đạo cứu nạn đều nhận định, khu vực xây dựng thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo có nền địa chất yếu. Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra, tại khu vực này đã từng xảy ra sạt lở. Gần đây nhất, năm 2013, công trình thi công đường hầm đã xảy ra sự cố sập hầm song không nghiêm trọng, Công ty cổ phần Sông Đà 505 đã xử lý bằng khung và vì thép. Nhưng những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng hé lộ nhiều điều khó có thể chấp nhận: Trước khi sự cố xảy ra mấy tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra hiện trường và nhận thấy công tác lưu trữ hồ sơ của chủ đầu tư còn thiếu so với quy định; hồ sơ năng lực của đơn vị thiết kế, thi công, giám sát chưa đáp ứng, đặc biệt bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nền địa chất của hầm dẫn nước yếu. Khi đó, cơ quan chức năng đề nghị quá trình thi công cần chú ý gia cố và xử lý theo đúng quy định để tránh xảy ra các sự cố, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội bổ sung hồ sơ, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, ngoài ra phải lập kế hoạch tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn lao động.

Như vậy, việc thăm dò, khảo sát địa chất, đánh giá các tác động có thể xảy ra và cả chất lượng các hạng mục thi công khi triển khai dự án thủy điện Đa Dâng có không ít vấn đề. Và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tai nạn xảy ra. Chưa hết, cũng theo đánh giá sơ bộ của các lực lượng chức năng, các biện pháp bảo đảm an toàn thi công đường hầm ngay trước thời điểm xảy ra tai nạn được thực hiện hết sức sơ sài: Nóc hầm chỉ được chằng chống bằng sắt bị hoen gỉ, làm một cách cẩu thả... Có thể thấy, những cảnh báo, nhắc nhở của cơ quan chức năng đã bị chủ đầu tư, nhà thầu phớt lờ. Khâu khảo sát địa chất được thực hiện cẩu thả cũng là nguyên nhân khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn khi các phương án khoan dò đến nơi 12 công nhân bị mắc kẹt nhiều lần vướng phải đá. Và điều khiến nhiều người không khỏi bức xúc nữa là chiều 17-12, hơn một ngày sau khi tai nạn xảy ra, thị sát tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn không thấy bóng dáng chủ đầu tư tại hiện trường cứu hộ, do đó Bộ trưởng đã thống nhất với Bộ Công thương ngay lập tức đình chỉ thi công, tập trung cho việc cứu hộ. Chủ đầu tư ở đâu từ khi xảy ra sự cố? Trong khi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đã có những chỉ đạo trực tiếp, kịp thời; đích thân Phó Thủ tướng và 3 bộ trưởng cũng như lãnh đạo cao nhất của tỉnh Lâm Đồng bám hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ, các lực lượng cứu hộ căng sức, dốc toàn lực để giải cứu người bị nạn thì chủ đầu tư lại "mất tích"? Báo chí đưa tin, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietracimex đang bận... công tác nước ngoài!?

Hiện tại, sau khi 12 công nhân mắc kẹt được giải cứu, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phong tỏa hiện trường và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Nhưng rõ ràng đây là vụ tai nạn nghiêm trọng có thể dự báo trước. Chủ đầu tư, đơn vị thi công không chỉ phớt lờ những cảnh báo của cơ quan chức năng, những cảnh báo từ... điều kiện địa chất và quan trọng hơn cả, họ phớt lờ cả trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Trước cửa hầm thủy điện Đa Dâng bị sập có treo khẩu hiệu: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Khẩu hiệu treo chỉ để cho có bởi trên thực tế, chủ đầu tư, đơn vị thi công - nói không quá - đã có nhiều biểu hiện coi thường sinh mạng người lao động. Rất may, hậu quả đau đớn nhất đã được ngăn chặn kịp thời, 12 con người đều là những trụ cột của các gia đình đã được cứu thoát. Đây là bài học đắt giá đối với công tác bảo đảm an toàn lao động mà hiện tại quá trình thi công một cách cẩu thả, vừa hiện đại... vừa thô sơ, thậm chí liều lĩnh theo kiểu "điếc không sợ súng" đang diễn ra phổ biến, không chỉ ở thủy điện Đa Dâng.

Trong mọi trường hợp, sinh mạng con người không thể coi rẻ. Nguyên nhân cuối cùng còn chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng, song dư luận trông chờ hình thức xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với những người và cơ quan chịu trách nhiệm về vụ việc. Trong đó, cá nhân, đơn vị có lỗi không thể thoái thác trách nhiệm đối với những tổn thất cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của công nhân, trách nhiệm về chi phí cứu hộ, cứu nạn. Chưa hết, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, không thể vô can khi để một dự án không bảo đảm các điều kiện theo quy định nhưng vẫn được thi công dài dài như vậy.

Bình Nguyên