Sức ép đổi mới từ FTA
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 22/12/2014
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nền kinh tế còn yếu kém so với nhiều quốc gia trên thế giới nên khi tham gia FTA với các đối tác, không ít ý kiến cho rằng, chúng ta sẽ mất nhiều hơn là được và các doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phá sản. Những lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở khi nhiều dòng thuế nhập khẩu bị cắt giảm, có dòng thuế về mức 0%. Ngành thép trong nước vốn đã bị cạnh tranh gay gắt với thép xây dựng từ FTA giữa ASEAN và Trung Quốc nay lại phải đối mặt với giá thép xây dựng rẻ từ Nga. Có lẽ vì thế mà Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ. Ngành cơ khí chế tạo vốn đã khó chắc sẽ khó hơn vì hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là vừa và nhỏ, lại thêm sức ép nhiều máy móc nhập khẩu có thuế nhập về 0%.
Tuy nhiên bên cạnh thách thức, FTA với Hàn Quốc và VCUFTA lại tạo ra cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu như: Thủy sản, nông sản, dệt may, đồ da, đồ gỗ… vốn là thế mạnh của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, xuất khẩu nông sản, thủy sản tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì sức mua trong nước còn yếu nên chắc chắn trong nhiều năm tới, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vẫn phải chờ trông chủ yếu vào xuất khẩu. Một thực tế mà ai cũng nhận thấy là hàng đoàn xe tải lớn chở hoa quả xếp hàng ở cửa khẩu biên giới phía Bắc và phấp phỏng chờ đợi liệu có được thông quan không. Và nhiều năm luôn xảy ra tình trạng dưa hấu thối phải đổ đi đến cả trăm xe, mới đây nhất là quả thanh long ở Bình Thuận, nông dân chán không muốn thu hoạch. Có FTA với Hàn Quốc và VCUFTA hoa quả cũng như hàng thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu. Đặc biệt, VCUFTA đã cam kết đưa mức thuế về 0% với toàn bộ hàng thủy sản, toàn bộ công nghiệp giày dép, phần lớn hàng dệt may… là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào thị trường 170 triệu dân này. Còn Hàn Quốc cam kết cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may với mức giá ưu đãi đồng thời giảm thuế suất xuống 0%. FTA với Hàn Quốc sẽ giúp cho ngành dệt may không phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro, giúp ngành chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Hai FTA này cũng mang lại cho Việt Nam cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Không chỉ là quốc gia ổn định về chính trị, Việt Nam còn là quốc gia có nguồn lao động trẻ dồi dào, giá nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực. Điều đó khiến hàng hóa sản xuất ở Việt Nam có giá thành rẻ hơn sản phẩm cùng loại sản xuất ở các quốc gia khác.
Về lý thuyết, FTA mở cửa cho hàng hóa của các nước tham gia hiệp định được tự do thông thương nhưng trên thực tế còn hàng rào kỹ thuật phức tạp. Rào cản này được các quốc gia sử dụng như hình thức bảo hộ hợp pháp sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam thì đây sẽ là thách thức lớn vì không ít doanh nghiệp còn làm ăn tùy tiện. Song chính thách thức này lại là thời cơ có một không hai để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng quản trị tiên tiến, bảo đảm chất lượng hàng hóa, hạ giá thành. Hãy tận dụng cơ hội do hai FTA này mang lại nếu doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển.