Tăng cường chất lượng dịch vụ y tế tại các huyện nghèo nhất Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 10:57, 20/12/2014
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường cơ chế trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân vùng khó khăn thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Quảng Bình” do tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam và các đối tác của Sở Y tế Lâm Đồng thực hiện dưới sự thực hiện dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU).
Diễn đàn đối thoại được tổ chức dưới hình thức chia sẻ các thông tin. Tham gia Diễn đàn đối thoại, đại diện cộng động đến từ 5 xã thuộc huyện Đam, tỉnh Lâm Đồng (1 trong 62 huyện trọng điểm khó khăn của Việt Nam), người cung cấp dịch vụ y tế tại các trạm y tế xã, các cơ quan quản lý chuyên môn từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đã cùng chia sẻ thông tin, tiếp nhận các khuyến nghị của người dân về chất lượng dịch vụ y tế tại các trạm y tế xã nhằm đánh giá các dịch vụ đang được cung cấp tại các trạm y tế xã, nhìn nhận về các chính sách hỗ trợ y tế cho người dân sống tại vùng khó khăn trong hơn 1 năm triển khai dự án.
Diễn đàn đã bước đầu khẳng định mô hình xây dựng cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ y tế chính là công cụ thiết yếu để từng bước nâng cao vai trò và tiếng nói của khách hàng nhận dịch vụ (người dân) trong việc quyết định về chất lượng dịch vụ và giám sát, hỗ trợ quá trình cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Mạnh Hạ, Trưởng ban Quản lý Dự án tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau một thời gian hoạt động, dự án đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ tại các trung tâm y tế huyện và các trạm y tế tham gia dự án của huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Cụ thể, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế có nhiều chuyển biến sau những đợt họp dân, năng lực chuyên môn được nâng cao; Trạm y tế được đầu tư thêm trang thiết bị, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; Số lượng người đến thực hiện các dịch vụ y tế tại trạm tăng lên đáng kể...
Tuy nhiên, theo ông Hạ, mặc dù Dự án đã tích cực triển khai các hoạt động tích cực, nhưng việc thay đổi, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế tại một vài xã còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra; Việc huy động người dân tham gia các buổi họp lấy ý kiến đóng góp của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào giai đoạn mùa vụ.Dự án “Tăng cường cơ chế trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Quảng Bình” do tổ chức Marie Stopes International Việt Nam cùng Sở Y tế Lâm Đồng và Quảng Bình thực hiện trong giai đoạn từ 4-2013 đến tháng 3-2015 với ngân sách dự án gần 630.000 euro, trong đó EU tài trợ 75% và các bên thực hiện dự án đối ứng 25%. Mô hình “Tăng cường giám sát trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ Y tế” được thí điểm triển khai tại 10 xã thuộc hai huyện trọng điểm khó khăn của Việt Nam là huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và Minh Hoá (Quảng Bình).