Trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137.764 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:31, 01/12/2022
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn giới thiệu khái quát về các nội dung chính phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11-2022 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, với nhiều điểm sáng. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỷ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% - cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua...
Tính chung trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137.764 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số lao động là 908.970 lao động, tăng 15,9%; có 56.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021; 132.339 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; 70.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Tính đến ngày 23-11, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ đã giải ngân được hơn 3,7 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động. Trong đó, hỗ trợ 3,2 nghìn tỷ đồng cho 4,82 triệu người lao động đang làm việc trong hơn 94 nghìn doanh nghiệp; hỗ trợ 527,2 tỷ đồng cho 450,9 nghìn lao động quay trở lại thị trường tại gần 29 nghìn doanh nghiệp.
Để quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, ngành Y tế cũng huy động các nguồn lực khác của xã hội, hỗ trợ viên chức y tế; từ đó giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong ngành. Ngành Y tế cũng tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, xây dựng văn hóa công sở để tạo điều kiện cho cán bộ công chức có sự gắn kết, tự hào về nghề nghiệp, đơn vị công tác.
Nhằm nâng cao chế độ phụ cấp theo nghề với công chức, viên chức y tế, ngày 27-10, Bộ Y tế đã trình Chính phủ, đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56 ngày 4-7-2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Với mức phụ cấp theo nghề áp dụng với công chức, viên chức được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh trong ngành Y tế, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn ngay khi có chỉ đạo của Ban chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước, Bộ Nội vụ.