Hiệu quả chưa như mong muốn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 20/12/2014
Các dự án xóa đói, giảm nghèo cần được bổ sung quy chế giám sát nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng và tránh lãng phí. Ảnh: Bá Hoạt |
Tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng
Tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nhấn mạnh: XĐGN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thực hiện thông qua các chương trình, dự án ở những quy mô khác nhau. Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là tình trạng tham nhũng từ việc triển khai thực hiện và cơ chế quản lý. Quá trình thực hiện các chương trình, dự án XĐGN bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập.
Trước thực trạng này, năm 2014, Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu khảo sát "Nâng cao hiệu quả hoạt động GSĐTCCĐ đối với các dự án XĐGN nhằm phòng ngừa tham nhũng". Nghiên cứu tập trung vào các dự án XĐGN do Đại sứ quán Ailen hỗ trợ ở các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Trà Vinh. Đối tượng khảo sát gồm: Đại diện chính quyền địa phương, người dân, thành viên Ủy ban MTTQ, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong tổng số 864 phiếu có 704 phiếu hỏi người dân và 160 phiếu hỏi đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Cùng với việc phát phiếu, nhóm còn tổ chức tọa đàm, phỏng vấn sâu người trực tiếp tham gia hoạt động giám sát các dự án XĐGN.
Theo kết quả khảo sát, các dự án đầu tư XĐGN có thể xảy ra nhiều sai phạm. Trong đó, các sai phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng là: Dự án đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án; chủ đầu tư và nhà thầu không chấp hành đúng quy định về triển khai dự án; nhà thầu không tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định; sai lệch kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình… Kết quả, có tới 74,7% người được hỏi cho rằng, thông qua hoạt động giám sát cộng đồng đối với các dự án XĐGN có phát hiện ra sai phạm. Sai phạm phổ biến nhất là "dự án đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản thuộc dự án", chiếm tới 65%. Theo các chuyên gia, đây chính là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao nhất.
Để có kết quả cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành khảo sát nhận định của người dân và cán bộ, công chức về dạng hành vi tiêu cực cụ thể trong các dự án XĐGN. Theo đó, có 73,3% ý kiến người dân được khảo sát cho rằng có tiêu cực xảy ra trong các dự án XĐGN; hành vi sử dụng nguyên liệu kém chất lượng và bớt xén nguyên liệu trong quá trình thi công công trình là phổ biến nhất (chiếm 52,7% và 47,7%). Đối với cán bộ, công chức, 66,9% ý kiến cho rằng có xảy ra tiêu cực trong các dự án XĐGN; hành vi sử dụng nguyên liệu kém chất lượng và bớt xén nguyên liệu cũng là phổ biến nhất (72,9% và 65,4%). Như vậy, có thể thấy, kết quả khảo sát đối với người dân và cán bộ, công chức về các hành vi xảy ra tiêu cực là khá tương đồng. Điều đáng nói là những hành vi vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình, tính bền vững của dự án và được phát hiện chủ yếu thông qua việc quan sát trực tiếp tại nơi thi công.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy có nguy cơ thất thoát lãng phí khi triển khai các dự án XĐGN, xuất phát từ chính quy định của các chương trình, dự án. Điển hình như hai công trình đường giao thông Làng Bai - Chạng Vung thuộc xã Thanh Hóa và công trình đường giao thông Ná Húng - Tân Hùng thuộc xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, Thanh Hóa có tổng số vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Mỗi công trình làm được hơn 700m đường bê tông, do một công ty xây dựng tỉnh Thanh Hóa thi công. Vấn đề đặt ra là tình trạng này không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác.
Còn nhiều rào cản
Qua 9 năm thực hiện Quy chế GSĐTCCĐ đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo quy định, các chủ thể giám sát cộng đồng phải tham gia nhiều khâu. Trong đó, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư của nhà thầu là nội dung rất khó khăn, đòi hỏi chủ thể giám sát phải có chuyên môn sâu, phải thu thập được đầy đủ các thông tin của chủ đầu tư, nhà thầu và việc thiết kế, thi công… Trong khi đó, trình độ chuyên môn của chủ thể giám sát còn hạn chế; chủ đầu tư, nhà thầu không cung cấp thông tin đầy đủ.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, vẫn còn tới 19,9% người dân cho biết không phản ánh, kiến nghị với các tổ chức giám sát cộng đồng khi biết được hành vi tham nhũng, tiêu cực. Lý do là sợ bị trả thù; không biết phản ánh, kiến nghị với ai hoặc nghĩ là sẽ không có hiệu quả. Điều này làm hạn chế hiệu quả phòng ngừa tham nhũng của hoạt động GSĐTCCĐ đối với các dự án XĐGN. Thậm chí, ngay các đối tượng là thành viên các tổ chức giám sát cũng cho rằng: "Quyền hạn không rõ ràng, không đầy đủ" là khó khăn, cản trở đối với hoạt động giám sát. Do đó, nhóm khảo sát đề xuất thời gian tới các quy định của pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung để các chủ thể giám sát có thẩm quyền tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Một số đại biểu cho rằng, cần quy định chi tiết về giám sát cộng đồng và tăng kinh phí hoạt động cho Ban giám sát cộng đồng; bổ sung quy chế giám sát sau đầu tư để các công trình phát huy hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí sau đầu tư. Đặc biệt, cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các thành viên Ban Giám sát cộng đồng cũng như người dân… Có như vậy, hoạt động giám sát cộng đồng mới góp phần ngăn chặn tham nhũng, nâng cao chất lượng các dự án XĐGN.