Nhiều vấn đề phải làm rõ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 19/12/2014

(HNM) - Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ vừa công bố kết quả thanh tra đo lường một số thiết bị y tế như: nhiệt kế, máy điện tim, máy điện não, máy chụp X - quang...

Kết quả này đã gây sốc trong dư luận khi nêu tình trạng hàng loạt thiết bị không được kiểm định; đáng chú ý, có tới 3.597/13.437 thiết bị y tế gồm huyết áp kế, máy điện tim, máy điện não... có vi phạm, trong đó không ít vi phạm về sai số cho phép; có địa phương khi kiểm tra 49 huyết áp kế thì có tới 17 thiết bị có sai số vượt mức cho phép... Trả lời báo chí, lãnh đạo Trung tâm Kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế) cho biết, không bất ngờ với kết quả thanh tra trên, đồng thời khẳng định kết quả này phản ánh khá đúng thực tế hiện nay. Cũng cần nói thêm là, theo Trung tâm Kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị y tế, tỷ lệ kiểm định thiết bị của các bệnh viện khá ít và có sự khác nhau giữa các địa phương, khu vực.

Trang thiết bị y tế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định, đối với công tác khám chữa bệnh. Trang thiết bị đạt chuẩn là cơ sở để bác sĩ thăm khám có chẩn đoán, tiên lượng chính xác, từ đó đưa ra các phương án điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Trong trường hợp ngược lại, không chỉ việc chẩn đoán, tiên lượng, đưa ra phác đồ điều trị không hiệu quả mà tai hại hơn là khiến người được thăm khám phải chịu tốn kém về chi phí điều trị, bị ảnh hưởng lớn về tinh thần. Trên thực tế, không ít trường hợp người được thăm khám (xin phép không dùng từ "bệnh nhân" bởi có khi người được thăm khám hoàn toàn khỏe mạnh) phải "lao" theo phác đồ điều trị không chính xác hoặc... không cần thiết do bác sĩ đưa ra một cách sai lạc dựa trên kết quả trang thiết bị đem lại. Không ít người đã phải mất tiền oan, lâm tình cảnh hoang mang, chịu tổn thương về tinh thần bởi tình trạng này.

Nếu như xem người bệnh là một dạng khách hàng đặc biệt (đối với cơ sở thăm khám, điều trị) thì trang thiết bị y tế là một dạng hàng hóa đặc biệt và đã là hàng hóa đặc biệt thì cần có cách quản lý chặt chẽ. Theo Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (bao gồm phương tiện đo được sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng như phương tiện đo điện tim, phương tiện đo điện não, huyết áp kế, các loại nhiệt kế y học...), cơ sở sử dụng phương tiện đo phải bảo đảm các điều kiện bảo quản, sử dụng phương tiện đo theo quy định của nhà sản xuất, yêu cầu kỹ thuật đo lường của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền; thực hiện việc kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa... Kết quả khó tin mà Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ vừa công bố đặt ra rất nhiều vấn đề phải làm rõ: "Đầu vào" trang thiết bị y tế đã bảo đảm? Việc kiểm định, kiểm soát chất lượng trang thiết bị được thực hiện như thế nào? Và sau đây, có hay không việc truy cứu trách nhiệm những đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế không bảo đảm yêu cầu khi rõ ràng trang thiết bị không bảo đảm chất lượng đã ảnh hưởng tiêu cực đối với người được thăm khám, nói chung, đối với bệnh nhân nói riêng? Trong mọi trường hợp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính các cơ sở sử dụng trang thiết bị y tế.

Sức khỏe con người là vốn quý nhất. Nếu các cơ sở y tế biết rõ trang thiết bị không bảo đảm song vẫn sử dụng để phục vụ hoạt động thăm khám thì đây là điều không thể chấp nhận - xét ở góc độ ứng xử với bệnh nhân như những khách hàng đặc biệt, càng không thể chấp nhận được khi xét ở khía cạnh y đức.

Bình Nguyên