Cho vay ngoại tệ với DN xăng dầu, xuất khẩu: Cánh cửa tiếp tục mở
Kinh tế - Ngày đăng : 18:51, 18/12/2014
Cuối giờ chiều ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước đã công bố thông tin liên quan đến Thông tư 29/2013.
Theo Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách vay là người cư trú, có 4 nhóm nhu cầu vốn được vay ngoại tệ; trong đó cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu năm 2014, và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014. Nếu NHNN không gia hạn thêm, cho vay với các nhu cầu trên chính thức khép lại kể từ đầu năm 2015.
Tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu, xăng dầu (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Và thông tin tốt đã bay đến những doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khi cuối giờ chiều nay, bà Nguyễn Thị Hồng-Phó Thốc đốc NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN đã đánh giá tình hình hoạt động, cân nhắc trên cơ sở năm 2015 Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,2%- mức cần có nhiều giải pháp hỗ trợ, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, NHNN quyết định các tổ chức tín dụng tiếp tục tự quyết cho vay 2 nhóm nhu cầu vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, dự kiến đến hết năm 2015. Cuối tuần này hoặc sang tuần sau, NHNN sẽ ban hành văn bản chính thức thay thế Thông tư 29/2013.
Theo bà Hồng, mặc dù tín dụng năm 2014 đang có xu hướng tăng trở lại, đạt mục tiêu định hướng đề ra nhưng thực sự hiện nay vẫn chưa thông suốt vì hấp thụ vẫn yếu. Việc mở rộng này cũng nhằm mục đích để tín dụng đạt được mục tiêu. “Về tổng thể, nếu các doanh nghiệp được vay ngoại tệ thì sẽ giảm được chi phí, góp cho nền kinh tế đạt được tăng trưởng 6,2% trong năm 2015”.-Phó Thống đốc nói về lý do tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với 2 nhóm nhu cầu trên.
Bà Hồng cho biết thêm, dư nợ cho vay 2 lĩnh vực trên chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống, trong đó dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 24%, còn xăng dầu khoảng 6%.
Trước băn khoăn về việc tiếp tục cho vay ngoại tệ với hai nhóm nhu cầu trên sẽ tác động đến thị trường, Phó Thống đốc Hồng cho rằng, thị trường ngoại tệ chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cung cầu ngoại tệ, phải nhìn toàn diện, bởi Việt Nam có nhiều giao dịch với quốc tế, từ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, rồi kiều hối, FDI, FII, phải tổng hòa tất cả để đánh giá nhu cầu ngoại tệ. Cung -cầu ngoại tệ phải đánh giá toàn diện. Còn cho doanh nghiệp vay ngoại tệ với 2 nhóm nhu cầu trên, khi các khoản nợ đến hạn, nhu cầu mua ngoại tệ trên thị trường có tăng hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ hay không. Với các doanh nghiệp có nguồn thu thì không xuất hiện nhu cầu mua ngoại tệ, còn doanh nghiệp xăng dầu không có nguồn thu ngoại tệ, khi đến hạn trả nợ sẽ xuất hiện nhu cầu trên thị trường. Tuy nhiên, cho vay xăng dầu chỉ chiếm 6% nên không tác động nhiều.
Nói về lộ trình trong thời gian tới, bà Hồng cho rằng, thời điểm này chưa thể nói lộ trình cụ thể nhưng phải cân nhắc nhiều góc cạnh, phải chuyển dần từ quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ, và Thông tư 29 là một phần của lộ trình đó, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ.