Cần chế tài mạnh hơn để răn đe người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 18:49, 18/12/2014
Còn nhớ, hồi năm 2012, NLĐ khắp nơi trong cả nước phải luân chuyển địa điểm Kỳ thi tiếng Hàn từ tỉnh này sang tỉnh kia để tránh những tiêu cực cục bộ địa phương. Hàng nghìn NLĐ từ các tỉnh phía Bắc phải ra Hà Nội kiểm tra không khác gì một kỳ thi đại học, cao đẳng. Nói điều này để thấy thị trường XKLĐ Hàn Quốc rất màu mỡ về mức lương, thưởng cũng thể hiện sự công bằng, khắt khe trong khâu kiểm tra “đầu vào” của nước bạn. Chất lượng lao động rõ ràng không phải bàn cãi. Để giữ vững thị phần và giữ hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam không ngừng nỗ lực để có những kỳ kiểm tra công bằng, khách quan, chất lượng. Tuy nhiên, sự nỗ lực không chỉ từ một phía. Tình trạng NLĐ không muốn trở về nước khi hết hạn hợp đồng đã xảy ra và trở thành vấn đề cấp thiết không thể không giải quyết. Đầu năm 2012, tỷ lệ LĐVN ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên tới hơn 50%, cao gấp đôi so với các nước khác. Điều này khiến Hàn Quốc đã phải tạm dừng tiếp nhận LĐVN từ ngày 28-8-2012 đến ngày 31-12-2013, khiến hàng chục nghìn LĐ đã đăng ký, trải qua đào tạo không được sang Hàn Quốc làm việc.
Thị trường LĐ Hàn Quốc vốn là một thị trường lớn. Tuy nhiên, việc LĐVN nói chung, trong đó có LĐ Hà Nội bỏ trốn, không chịu về nước đã gây ra những hệ lụy xấu. UBND TP Hà Nội đã không ngừng ban hành văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các quận, huyện, thị xã vận động NLĐ trở về nước đúng luật, cương quyết phải giảm số lượng cư trú trái phép xuống 34%. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc rất trăn trở vì việc LĐ cư trú trái phép tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Hà Nội là một trong hai địa phương có tỷ lệ LĐ bỏ trốn cao nhất tại Hàn Quốc. Hiện có tới 720 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động, có nhu cầu lớn về LĐ. Do đó, nếu nói LĐ khi hết hạn hợp đồng không chịu về nước vì sợ không có việc làm là không có cơ sở. Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH rà soát, phân loại từng LĐ bỏ trốn để có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng. Ngoài ra, theo phía Hàn Quốc đánh giá thì Việt Nam đã có những biện pháp mạnh đối với LĐ sai luật, đó là xử phạt vi phạm hành chính lên từ 80-100 triệu đồng với những LĐ ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài và NLĐ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Thực tế, đã có nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với NLĐ của Hà Nội không về nước đúng hạn. Theo các huyện có tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp cao của Hà Nội thì NLĐ biết có quy định xử phạt nhưng đang “nghe ngóng” xem có ai bị xử lý hay không. Hoặc nhiều LĐ chấp nhận nộp phạt vì chỉ hai, ba tháng lương làm việc tại Hàn Quốc là có thể đủ tiền phạt trong khi đó chi phí đi XKLĐ sang Hàn Quốc cao hơn và mất nhiều thời gian hơn. Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét lại chế tài khác có sức răn đe lớn hơn mà không trái với quy định của Hiến pháp để hạn chế thực trạng LĐ bỏ trốn.
Điều này cho thấy, chế tài dù đã đủ mạnh nhưng xem ra chưa đủ sức răn đe với những NLĐ cố tình vi phạm quy định. Có chăng, với những bước tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng những việc lên án phê phán, gây áp lực tạo chuyển biến về nhận thức để các gia đình NLĐ phải có trách nhiệm vận động con em mình về nước đúng hạn hoặc đang cư trú bất hợp pháp thì phải về nước đã làm giảm số lượng đáng kể. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần sự “mạnh tay” hơn nữa của chế tài để đủ sức làm cho NLĐ không còn nghĩ đến sai phạm.