Bài 2: Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 18/12/2014

(HNM) - Lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị luôn là một hoạt động cơ bản, cấp thiết và xuyên suốt.

Về vấn đề này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng khẳng định: "Toàn bộ công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Công tác chính trị đã trở thành một truyền thống sâu sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu, công tác, sinh hoạt của quân đội ta; đã trở thành "linh hồn, mạch sống" của quân đội ta".

Lấy chính trị làm gốc

Có thể nhận thấy, 70 năm qua, nhờ có sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực sự trở thành lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân, làm cho cán bộ, chiến sĩ giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, bảo đảm cho "Bộ đội Cụ Hồ" có phẩm chất đạo đức trong sáng; trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Minh Khải, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định: "Thực tiễn 70 năm xây dựng và phát triển cho thấy, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là sức mạnh tổng hợp; là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố con người và vũ khí, trang bị với nghệ thuật quân sự độc đáo; được tổ chức biên chế phù hợp với tình hình trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong đó, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một nội dung cơ bản, xuyên suốt; là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Tư tưởng "lấy chính trị làm gốc" trong xây dựng quân đội cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người cho rằng: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại". Ngay khi chuẩn bị trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, Bác đã dạy: Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Muốn cách mạng thành công thì nhân dân và quân đội phải có quan điểm chính trị rõ ràng, đúng đắn, tức là đường lối chính trị của Đảng phải thấm sâu từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giúp họ có được bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có như vậy, Đảng mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc.

Tư tưởng "lấy chính trị làm gốc" của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khẳng định rõ nét, đúng đắn, thiết thực và hiệu quả, đồng thời được thể hiện sinh động trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta. Đây là nguyên tắc "bất di bất dịch" trong xây dựng quân đội cách mạng thời kỳ kháng chiến cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây cũng là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, không có loại vũ khí tối tân, hiện đại nào có thể phá vỡ, không có khó khăn nào có thể cản bước, ngăn đường, không có kẻ thù nào có thể khuất phục.

Thực tiễn 70 năm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng cho thấy, tùy theo tình hình, nhiệm vụ cụ thể, cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội có sự điều chỉnh, phát triển phù hợp. Nhưng dù thế nào thì cơ chế ấy cũng phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; chế độ công tác chính trị phải được quy chế hóa cụ thể nhằm thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác tư tưởng, công tác tổ chức của Đảng trong mọi mặt đời sống của quân đội.

Nền tảng để hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, các vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh của chúng ta ngày càng có liên kết chặt chẽ với các vấn đề quốc phòng, an ninh của các nước láng giềng, khu vực và quốc tế. Việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đang đứng trước nhiều vấn đề mới cả về thời cơ và thách thức. Trên thế giới, xung đột vũ trang, dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiệp, lật đổ, khủng bố xảy ra ở nhiều nơi; những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền trên biển giữa một số quốc gia diễn ra hết sức phức tạp; cùng với đó là sự thỏa hiệp, đối đầu và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn... đã và đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức. Bên cạnh đó, ở trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và thâm độc, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đối với quân đội ta, chúng tìm mọi cách để tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa"; ra sức tuyên truyền, lôi kéo, hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi cùng sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện tới quá trình phát triển của đất nước và việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, hằng ngày, hằng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác, như nhận xét của Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị): Những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội đã được cấp ủy, chỉ huy ở hầu hết các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung triển khai toàn diện, có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa đầy đủ, còn có biểu hiện coi nhẹ, giao khoán cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; chưa có nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả; hoạt động giáo dục thường xuyên còn đơn giản, chưa đồng bộ, nội dung, phương pháp giáo dục chưa gắn chặt giữa định hướng tư tưởng và chỉ đạo hành động, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục pháp luật, kỷ luật...

Như vậy, yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng là vấn đề vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong tình hình hiện nay. Để làm tốt vấn đề này, trước hết phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và toàn quân với đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là chủ trương, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ lý luận, năng lực thực tiễn với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần của Nghị quyết số 147/NQ-ĐUQSTƯ về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội giai đoạn mới" và Kết luận số 547-KL/QUTƯ của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về "Tiếp tục xây dựng các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh". Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; gắn "xây" và "chống"; qua đó, tạo nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực, phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của mỗi quân nhân để giữ vững và phát huy những phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".

Sự vững mạnh về chính trị là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng tổng hợp, bảo đảm cho quân đội ta hoàn thành tốt các chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất trong thời kỳ mới.

Nhóm PV Nội chính