Gặp các "đại gia" trong tù

Chính trị - Ngày đăng : 18:27, 19/08/2004

Họ đã từng là những người làm dư luận hao tốn không ít giấy mực. Khi đã vào tù, đôi lúc xung quanh họ lại dấy lên bao lời đồn thổi... Đằng sau những cánh cổng sắt nặng nề luôn khép kín, những

Nguyễn Văn Mười Hai

Họ đã từng là những người làm dư luận hao tốn không ít giấy mực. Khi đã vào tù, đôi lúc xung quanh họ lại dấy lên bao lời đồn thổi... Đằng sau những cánh cổng sắt nặng nề luôn khép kín, những "đại gia" ấy đang làm gì, đang có những tâm tư ra sao ? Chúng tôi đã "thâm nhập" vào hai trại giam "lừng lẫy" là Z30A, Z30D để tận mắt chứng kiến cảnh sống và nghe tâm sự của họ...

Z30D, nơi bỏ quên quá khứ

Từ cánh cổng to lớn nằm ngay mặt tiền quốc lộ của trại giam Z30D phải đi một đoạn đường dài gần 5 km, qua 2 lần kiểm tra giấy tờ mới đến được văn phòng điều hành của Ban Giám thị trại giam. Hai bên con đường tráng nhựa là những rừng cây trồng rộng mênh mông, ẩn khuất phía xa một trái núi to sừng sững... Đến văn phòng của Ban Giám thị cũng chưa vào được trại giam, ở đây có những phân trại và đây là nơi giam giữ các tù nhân. Chỉ những cán bộ của trại giam mới được ra vào phân trại, mỗi phân trại nằm cách xa nhau nhiều cây số đường rừng.

Trong khu nhà làm việc và sinh hoạt của Hội đồng Tự quản phạm nhân ở phân trại 5, có 3 phạm nhân đang lúi húi thu dọn giấy tờ, sách vở. Lặng lẽ đứng đằng sau hai phạm nhân trẻ tuổi là một ông già trạc tuổi 60, nét mặt hằn sâu vẻ đắng cay khắc khổ. Khi tôi tiến tới hỏi chuyện, ông già đứng thẳng người, trả lời thật chậm rãi và rành rọt: "Tôi tên Trần Đình Nhị, 50 tuổi, nguyên Cục phó Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên - Huế, tội "nhận hối lộ", án phạt 20 năm tù, đã chấp hành án phạt được 6 năm, 2 tháng, 16 ngày...". Thì ra đây là nhân vật một thời chúng tôi từng săn lùng thông tin trong lúc theo dõi vụ án Tân Trường Sanh. Hiện ông Nhị đang là thư ký của Hội đồng Tự quản, chuyên giúp các cán bộ quản lý các mặt thi đua cũng như chấp hành án phạt tù của phạm nhân. Trông ông Nhị già hơn tuổi khá nhiều, trong cặp mắt ẩn chứa một nỗi buồn không tả nổi. Ông Nhị lắc đầu: "Tất cả đã là quá khứ, đừng nhắc lại làm gì!"...

Tại phân trại 3, khi nhận được yêu cầu của thiếu tá Nguyễn Thiết Hùng - Phó giám thị trại giam, người sĩ quan trực phân trại lập tức cho người chạy xe gắn máy vào rừng để chở phạm nhân chúng tôi muốn gặp ra ngoài. Khoảng 20 phút sau, một thanh niên dáng vẻ rắn rỏi, khỏe mạnh bước vào căn phòng tôi đang ngồi chờ, trên tay chân còn ướt nước mới

rửa cho sạch bùn đất... Đó là Phạm Ngọc Lâm, từng là Giám đốc Công ty Anh Lâm, một thời cạnh tranh quyết liệt với đường dây buôn lậu nổi tiếng của cha con Trần Đàm, Công ty Tân Trường Sanh. Một cách khéo léo, Lâm né tránh những câu hỏi của tôi về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ: "Lâu quá, mọi chuyện xảy ra dồn dập, em bị sốc quá, không còn nhớ chính xác nữa!". Thậm chí, Lâm còn tỏ ra khá lúng túng và không tính nổi chính xác thời gian anh ta đã thụ án. Chỉ đến khi chúng tôi nhắc đến hai từ tự do, Lâm mới bắt đầu cởi mở, khoe: "Em nằm trong diện gia đình thương binh liệt sĩ. Trong chuyên án Năm Cam, em cũng được trích xuất về dưới Tiền Giang 1 năm vì em có chơi với Hồ Việt Sử... Hồi đó, em không biết nó là người của Năm Cam... Em ở tù được 8 năm rồi, hy vọng em sẽ được đặc xá...". Khi nói về tương lai, đột nhiên Phạm Ngọc Lâm bộc lộ tâm sự: "Em bây giờ chẳng còn gì, nhưng sẽ cố gắng làm lại tư cách con người của mình". Trong đợt 1 xét đặc xá của năm 2004 - 2005 tại trại giam Z30D đưa lên danh sách 207 người, không có tên của Phạm Ngọc Lâm và Trần Đình Nhị.

Rời trại Z30D, tôi tìm đến trại Z30A, một trại chuyên giam giữ những tù nhân có án nặng nhất.

Z30A và những ước mơ

Vừa nghe chúng tôi hỏi đến tên Nguyễn Văn Mười Hai là thượng tá Nguyễn Trung Binh - Giám thị trại giam Z30A - đã vui vẻ đồng ý cho gặp. Từ ngoài cửa phòng chờ, chưa thấy người, tôi đã nghe tiếng chào vui vẻ: "Dạ, chào cán bộ ạ! Tôi tên Nguyễn Văn Mười Hai...". Xuất hiện trước mắt tôi là một người đàn ông hơi thấp, đậm người, mắt đeo kính thuốc. Vừa được mời ngồi là Nguyễn Văn Mười Hai đã nở nụ cười rất tươi, miệng liến thoắng: "Dạ, thời gian đầu tôi đập đá... Năm 1999, tôi bị vỡ ruột thừa đi cấp cứu. Bây giờ được Ban Giám thị cho làm ở nhà bếp, làm rau xanh, củi, đào đất... Thưa, tôi ở trại này là 12 năm, tổng thời gian ở tù là 14 năm rưỡi. Trong đợt này tôi không được đặc xá... Tuy nhiên, tôi cũng rất phấn chấn, hy vọng sẽ được tha tù trước thời hạn. Theo án văn, tôi còn lại mấy chục tỉ chưa khắc phục được. Bà xã tôi đi ở đậu bên Thủ Thiêm tại nhà bà chị ruột nhưng nhà này cũng nằm trong diện giải tỏa. Bà xã tôi cũng đi làm công cho người ta, làm nội trợ, quét dọn qua ngày để có cái ăn... Tôi được giảm án 3 lần, tổng cộng là 22 tháng, còn lại 3 năm 8 tháng. Nếu được ra, tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Sức khỏe yếu, tôi không có khả năng sinh hoạt bình thường...". Phải chờ thời cơ, tôi mới có thể cắt lời Nguyễn Văn Mười Hai để chêm vào một câu hỏi. Nhưng chưa nghe hết câu, Nguyễn Văn Mười Hai đã nhanh nhảu trả lời: "Thời gian đầu tôi rất nhớ thời vàng son. Sau thì dần quên đi... Bây giờ thì tôi xác nhận là mình có lỗi và ăn năn, hối cải. Nếu thời gian đó mình đừng làm thì tốt hơn, tôi cũng không nghĩ là hậu quả lại lớn như vậy... Hồi đó, tôi làm là vì háo danh...". Nguyễn Văn Mười Hai vui thực sự trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi. Nhìn ông hôm nay, không ai có thể ngờ được cũng chính con người ấy cách đây mười mấy năm đã từng khuấy đảo dư luận vì một cú lừa đảo đưa hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Bây giờ Nguyễn Văn Mười Hai đang hy vọng... Ông thuộc lòng những văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, hoạt động doanh nghiệp. Những kiến thức đó ông ta đọc được từ sách báo. Với một trí nhớ khá đặc biệt, Nguyễn Văn Mười Hai không thể quên và cũng không cố tỏ ra quên những diễn biến đã đi qua cuộc đời mình...

Tiếp theo sau Nguyễn Văn Mười Hai, tôi được gặp Lê Minh Hải, nguyên Giám đốc Nhà máy Sửa chữa tàu biển Sài Gòn, nguyên Tổng giám đốc liên doanh VIM Sài Gòn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Dolphin Vũng Tàu, một nhân vật từng bị xử tử hình trong vụ án Tamexco. Với dáng vẻ khá tự tin, Lê Minh Hải bắt tay tôi như những người đã từng quen biết. Không cần mào đầu, Lê Minh Hải lập tức vào chuyện: "Tôi chỉ mới bán đất cho thằng Phước thôi... 51 ha đất ngay thành phố Vũng Tàu, cho nó mượn 21 ha... Phải chịu án tử hình... Thời đó, tôi không bao giờ nghĩ tội kinh tế mà bị tử hình. Tôi được Chủ tịch nước ân xá vào ngày 9/9/1997. Ở tù được 9 năm, nếu là ngày xưa thì dư rồi, năm nay lại đề ra tử hình xuống chung thân thì phải ở 10 năm mới được xét giảm án. Như thế là đến năm sau tôi mới "đủ tuổi đi thi"... Cũng phải yên tâm chấp hành, 9 năm rồi còn gì... Mình đã làm khổ bao nhiêu người, làm khổ ông già... Tôi tốt nghiệp đại học hàng hải bên Liên Xô, 36 tuổi là giám đốc, 39 tuổi làm tổng giám đốc, 42 tuổi thì bị bắt... Sáng giá như thế mà cái giá phải trả như thế...". Cho đến ngày hôm nay, mọi chuyện vẫn còn như mới đối với Lê Minh Hải, ông ngồi phân tích từng chi tiết của vụ án với tôi, so sánh luật lệ của thời cách đây 9 năm với bây giờ, không bỏ sót chi tiết nào. Lẫn trong câu chuyện là những kỷ niệm, là những ước mơ tái lập sự nghiệp sau khi được tự do. "Tôi còn nhiều dự án, bạn bè tôi vẫn còn chờ tôi ra. Tôi còn nắm một số bí mật về cách đi tìm san hô đỏ. Bây giờ ra thì phải “chiến đấu” để bù lại... Tôi cũng tự học thêm tiếng Anh, bạn bè cũng gửi vào nhiều tài liệu để tôi nghiên cứu, chuẩn bị mọi thứ...", Lê Minh Hải nói.

Cũng như những phạm nhân khác, những người từng được mệnh danh là "đại gia" cũng trải qua các tâm trạng bi quan, tuyệt vọng, rồi hy vọng... với đầy đủ những cung bậc của tình cảm con người trong thời gian bị giam giữ. Ngày mai, hai từ đó có thể chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt đối với nhiều người trong chúng ta, nhưng lại là tất cả đối với những người tù mà tôi đã gặp.

Theo TN

HONGVAN