Loay hoay với “rào cản” cơ chế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 18/12/2014

(HNM) - Một số quy định còn chưa sát với thực tế gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành thuốc bảo vệ thực vật.

Đây là những nội dung được thảo luận trong buổi tọa đàm về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý việc sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV do Hội Hóa chất nông nghiệp Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17-12.

Mặc dù cả nước hiện có trên 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV, thế nhưng có một thực tế là Việt Nam chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV mang tầm quốc gia mà chủ yếu chỉ làm đại lý, kinh doanh thuốc BVTV của nước ngoài. Đáng nói là gần như 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm còn phải nhập của nước ngoài (chủ yếu là của Trung Quốc).

Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang có nhiều khó khăn.


Theo thống kê, mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu từ 0,8 đến 1 tỷ USD thuốc BVTV mới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Mặc dù nhu cầu và tiềm năng đối với ngành thuốc BVTV lớn như vậy, nhưng trong những năm qua, việc sản xuất thuốc BVTV trong nước vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu, sang chiết và đóng chai, dán nhãn… phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài, gây thất thoát ngoại tệ, lãng phí nguồn lao động trong nước…

Sự phát triển của ngành thuốc BVTV trong nước bị kìm hãm do các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thuốc BVTV. Liên quan đến các vấn đề về chính sách gần đây, VCCI đã nhận được nhiều đơn phản ánh của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV về một số văn bản pháp quy của Bộ NN&PTNT.

Theo các doanh nghiệp, Thông tư 03/2013 của Bộ NN&PTNT và một số văn bản liên quan đến việc quản lý sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam có nội dung chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh ở nước ta, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành thuốc BVTV, thậm chí về lâu dài doanh nghiệp có thể dẫn đến phá sản.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, trong thời gian qua đã có hơn 10 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh thuốc BVTV. Còn theo ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV Hà Nội khẳng định: Những khó khăn và sức ép từ Thông tư 03 đang là rào cản phát triển đối với các doanh nghiệp và sự hình thành nền công nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam. Từ đó, sẽ dẫn đến hệ lụy là tác động tiêu cực đến nền sản xuất nông nghiệp nước nhà khi tình hình sâu bệnh hại cây trồng phát triển thành dịch như những đợt dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa, bệnh nấm hồng hại cao su, bệnh chổi rồng hại nhãn… xuất hiện ngày càng nhiều thời gian vừa qua.

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thương mại ADI cho biết, theo khoản 4 Điều 59 của Thông tư 03, việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trên sản phẩm đến ngày 25-2-2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành đối với tất cả các đơn vị trong ngành BVTV nhưng đến thời điểm này, các DN vẫn đang loay hoay thực hiện công việc này và gặp rất nhiều trở ngại. Đơn cử như Thông tư 03 yêu cầu in dấu hợp quy trên bao bì sản phẩm, tuy nhiên doanh nghiệp không biết tìm tiêu chuẩn cơ sở; tiêu chuẩn quốc gia hay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở đâu để căn cứ vào đó thực hiện. Đồng thời, cũng còn rất nhiều hoạt chất thuốc BVTV chưa có tiêu chuẩn nên doanh nghiệp gần như rơi vào bế tắc. Bên cạnh đó, hầu hết các quy định trong Thông tư 03 chỉ nhằm mục đích giảm tối đa số thuốc trong danh mục: quy định cứng nhắc về thành phần thuốc, bao bì, nhãn mác…

Theo các doanh nghiệp, các quy định này không dựa trên các căn cứ khoa học và các kiến thức về cây trồng và dịch hại… Tất cả đã gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành thuốc BVTV trong nước, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất. Đáng nói là do ngành sản xuất phục vụ nông nghiệp có tính mùa vụ cao nên các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, đầu tư vào khâu nguyên liệu để sản xuất thuốc BVTV phục vụ bà con đúng thời vụ. Không những thế, hàng hóa phải lưu chuyển trên thị trường không phải một vụ đã tiêu thụ hết nên không dễ lập tức thu hồi, làm bao bì, nhãn mác hợp quy.

Với những khó khăn này, các DN đề nghị cơ quan quản lý nên có một buổi họp công khai với sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành, giới khoa học, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đưa ra những quy định thống nhất, hướng dẫn cụ thể về những tiêu chuẩn, quy chuẩn để công việc tiến hành làm hợp quy, công bố hợp quy được thuận lợi, đúng quy định. Khi cơ quan quản lý chuyên ngành chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể thì nên cho các doanh nghiệp thời gian tối đa để DN triển khai làm, chuẩn bị cho việc thay nhãn mác (bao bì sản phẩm) theo đúng quy định, tránh những tổn thất lãng phí của DN cũng như của xã hội.

Bà Nguyễn Thị Xuyến - Giám đốc Công ty cổ phần Nông dược Nhật Việt góp ý về nguyên tắc chung đăng ký thuốc BVTV - chỉ được đăng ký 1 dạng hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV, là không phù hợp với thực tế diễn ra trên đồng ruộng. Đồng tình với những ý kiến góp ý của các đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho rằng, mặc dù đã lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành nhưng trong thông tư vẫn còn một số điều khoản chưa bảo đảm sự hài hòa giữa cơ quan quản lý, DN và lợi ích của bà con nông dân; đặc biệt với nền sản xuất nông nghiệp trong nước vốn còn đang rất khó khăn như: Chi phí sản xuất lớn, đầu ra sản phẩm còn thấp. Được biết phạm vi áp dụng của Thông tư 03 rất rộng rãi, không chỉ cho ngành BVTV mà còn cho các tổ chức, cơ quan không chuyên sâu về thuốc BVTV như hải quan, thuế, quản lý thị trường… tuy nhiên có nhiều đoạn trong thông tư còn chưa rõ nghĩa, khó hiểu. Điều đó sẽ gây ra hiện tượng các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thuốc BVTV ở địa phương sẽ hiểu và áp dụng các quy định một cách khác nhau.

Sơn Tùng