Cầu lớn Văn Phú vượt sông Hồng
Giới trẻ - Ngày đăng : 18:23, 19/08/2004
Thi công cầu Văn Phú.
...Yên Bái một chiều thu oi ả. Trời rất nóng và tịnh không một tí gió máy nào. Thời tiết ở tỉnh miền núi phía Bắc này thật khắc nghiệt. Ngày có thể nóng vỡ đầu nhưng đêm thì ngủ vẫn phải đắp chăn. Trong khi vượt sông Hồng bằng một cuộc thông cầu chưa chính thức, Giám đốc Cty 134 Phạm Tiến Lực - đại diện nhà thầu cầu Văn Phú, nói: "Cái nắng ở đây tuy vậy vẫn không dữ bằng Lào Cai, nhưng về mưa lại dữ hơn Lào Cai gấp bội. Chẳng thế mà ở đây, lâu nay, người dân thường truyền khẩu một câu thuộc loại thành ngữ mới: Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái. Hôm nay, dù sao chúng ta cũng gặp may vì không đụng mưa..."
Tại Nhà điều hành, chúng tôi nhanh chóng làm quen với những thông số kỹ thuật tóm lược, cần thiết: Tổng chiều dài 474,96 m; tổng bề rộng: 10 m; tải trọng đoàn xe: H30- XB80 (tải trọng lớn nhất hiện nay); quy mô: cầu vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cột thép dự ứng lực; tổng số vốn đầu tư: 50 tỷ đồng...Chỉ huy trưởng công trường, giám đốc điều hành của Cty 134 Nguyễn Trường Sơn, cho biết: Trước khi vào cuộc thử sức lớn này, chúng tôi đã được tôi luyện sau khi thi công hoàn chỉnh cầu Đài Thị ở Tuyên Quang, cầu Lường trên đường Hà Nội- Lạng Sơn, cầu La Khoa ở An Giang, các cầu: Sê San, Giang Trung, Bung, Konklor ở Tây Nguyên, một số cầu đường trên đường Hồ Chí Minh...Chúng tôi đã thi công nhiều loại cầu: Treo, dàn T66, dầm liên hợp, dầm bê tông dưỡng lực, bê tông cốt thép thường...Và đến Văn Phú là loại cầu dầm hộp liên tục, bê tông cốt thép dự ứng lực và được thi công theo phương pháp cân bằng, đối xứng.
Với Nguyễn Trường Sơn thì Đài Thị là một tảng đá đặt nền móng cho "tòa nhà 134" ngay từ những năm 1991, 1992. Sau việc ra đời cây cầu này trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, lớp cán bộ và công nhân trẻ hồi ấy đã trưởng thành.Nhiều người là công nhân, cán bộ kỹ thuật đội phó, trưởng phòng... giờ đã trở thành kỹ sư, phó giám đốc, trưởng ban...
Nhắc đến Đài Thị và một vài cây cầu đã thi công xa xưa, Nguyễn Trường Sơn cười rất vui: Hồi ấy, chúng tôi còn hành nghề thủ công và dựa vào sức lực của cơ bắp hơi nhiều. Chính vì thế mà đôi khi để tạo niềm vui trong lao động, chúng tôi tự chế ra những điệu hò kích-kéo rất văn nghệ để góp phần đưa đẩy nhịp điệu công việc. Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ lời một điệu hò kích-kéo:
Ba cô đi chợ đầm Hồng
Bàn nhau quanh quẩn:Không... chồng, chồng... không
Không... chồng lòng rối bong bong
Chồng... không, lòng cũng bòng bong rối bòng
Nhân thể, Nguyễn Trường Sơn nhắc đến bốn câu thơ mà anh là tác giả, nói về nỗi vất vả, lo toan và sự thao thức không cùng của những người thợ cầu: Sáng trở dậy mặt trời xuyên kẽ liếp/ Như lưỡi gươm hóa đá tâm hồn/ Chăn chưa gập lại đi vào cát bụi/ Tàn thuốc đêm qua rơi vãi khắp chân giường.
Tập thể cán bộ công nhân Cty công trình giao thông 134
- Văn Phú được coi là cây cầu lớn mà lần đầu tiên Cty anh thực sự thi công trên sông lớn. Vậy trước khi nhập cuộc, Cty anh dã tạo ra một sự chuẩn bị công phu như thế nào? Tôi hỏi.
- Riêngviệc sắm thiết bị, công cụ làm việc như hệ nổi, cọc ván thép, cần cẩu lớn, máy bơm bê tông, xe đúc, các thiết bị căng kéo cáp loại 150, 250, 500 tấn...đã ngốn của chúng tôi 10 tỷ đồng rồi. Anh Phạm Tién Lực trả lời.
- Thời điểm đông nhất, công trường này có bao nhiêu công nhân, thưa anh?
- Quãng 150. Đội ngũ này phải thi công trụ, mố, đúc phiến dầm đầu tiên cùng một lúc.
- Nghe nói trước Tết vừa rồi, khi vượt trụ 6, các anh đã bước qua một thử thách đáng kể?
- Đúng như vậy. Quá trình vượt trụ 6 cũng là quá trình thi công giữa dòng chảy chính của sông Hồng có mức nước sâu nhất (khoảng 7 m). Hai tám Tết năm trước, chúng tôi làm xong việc ấy, để rồi mồng 4 Tết năm sau trở lại với công việc vẫn còn ngổn ngang trước mặt.
- Tuy chưa hiểu nhiều về công việc của các anh nhưng chúng tôi vẫn rất muốn chia sẻ với các anh. Tôi cảm thấy nghề này thật sóng gió và đôi khi không khỏi có cảm giác cô đơn?
- Cô đơn thì không hẳn. Những nnhững người đã theo nghề này phải coi nghề này như cái nghiệp và phải chấp nhận xa nhà, xa vợ, xa con, xa người thânthường xuyên đã trở thành phổ biến. Bản thân tôi biết có nhiều người xa nhà mười mười lăm năm, chỉ thực sự gần gũi vợ con trong một vài năm ngắn ngủi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn được an ủi vì tìm được niềm vui trong công việc và luôn lấy thách thức là hạnhphúc của hành trình tới đích.
- Nghề này có hay gặp rủi ro hay không anh?
- Nghề này rất khó nói trước. Tuy vậy, cho đến giờ phút này, , có thể khẳng định: Từ khi thi công cho đến thời điểm hoàn thiện, ở công trường này, chưa xảy ra một sự cố mất an toàn nào. Cũng xin nói thêm: Ngoài Văn Phú, chúng tôi còn đang thi công cầu số 3, cầu dây văng Yordon ở Tây Nguyên, 5 cầu nhỏ khác ở quốc lộc 279 và 2 cầu nữa trên đường 18Btại nước bạn Lào.
Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sau khi hoàn thành cầu Văn Phú, Cty 134 đã được dán nhãn mác, đội ngũ CBCNV của Cty đã thực sự chuyển biến về chất. Cũng có thể coi Văn Phú là "cây cầu bản lề", mở cánh cửa, tạo ra những bứt phá mới.
Ngắm vẻ đẹp của cây cầu Văn Phú vắt ngang sông Hồng ngầu ngầu sóng đỏ và chảy như không hề khúc mắc, băn khoăn, cảm trước tấm lòng của những con người đã hết mình, làm nên cây cầu thứ 3, lại là cây cầu lớn nhất (sau cầu Yên Bái, Mậu A) ở Yên Bái, tự dưng tôi lên cơn thi hứng và viết ít dòng thơ. Tôi chọn hai từ hợp long (điểm nối giữa các trụ cầu và thân cầu) làm tứ chính cho bài thơ viết vội này: Sông chảy dọc, cầu đâm ngang/ Cao mây thấp cỏ lang bang đất trời/ Giữa dòng những giọt sao bơi/ Đẹp gần gũi, đẹp xa vời như mơ/ Đêm đêm thao thức đôi bờ/ Đội vầng trăng khát khao giờ hợp long.
Tôi tin ngày khánh thành, ngày đưa cầu Văn Phú vào sử dụng là một ngày hội lớn không chỉ của riêng Yên Bái. Ngày này, chắc chắn là ngày vui lớn của CBCNV Cty Công trình giao thông 134.
Đặng Huy Giang