Cứu hộ sập hầm: Đào đến đâu đá “mồ côi” rơi đến đó

Đời sống - Ngày đăng : 10:26, 17/12/2014

(HNMO) - Qua trò chuyện với những nạn nhân đang bị mắc kẹt được biết, hiện nước trong hầm đã dâng lên đến ngang hông, nguy hiểm đến tính mạng.


♦ Danh sách 12 nạn nhân vụ sập hầm Đạ Dâng

- 15h45': Bộ trưởng Bộ Y Tế - Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có mặt tại hiện trường sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo.

Sau khi nắm thông tin về tình hình cứu hộ, cứu nạn, Bộ trưởng chỉ đạo nhân viên y tế phải luôn chuẩn bị sẵn sàng, túc trực 24/24 để kịp thời ứng cứu khi các nạn nhân được giải cứu và đề phòng trường hợp đội cứu hộ có người bị thương.

- 15h15': Theo phương án của các chuyên gia tại hiện trường, cùng tiến hành song song với việc khoan 2 phía vào khu vực sập thì có phương án nữa là tiến hành khoan (kiểu khoan giếng) từ trên đỉnh đồi xuống khu vực sập (sâu khoảng 60 mét) để tiếp tế quần áo, nhu yếu phẩm cho các công nhân.

Một hướng khoan khác là khoan cọc nhồi từ đỉnh đồi xuống cũng được các chuyên gia đưa ra bàn luận cùng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Tuy nhiên phương án này vấp phải khó khăn khi trang thiết bị hiện nay không có sẵn, phải di chuyển từ Đắk Nông đến sẽ mất ít nhất 2 ngày.

Bộ trưởng Xây dựng: Chủ đầu tư vô trách nhiệm, đình chỉ thi công

(HNMO) - Bộ trưởng Xây dựng thống nhất với Bộ trưởng Công thương cho đình chỉ thi công, tập trung khắc phục hậu quả tai nạn và chỉ được tiếp tục khi nào có văn bản chỉ đạo.


- 14h45': Trong báo cáo của lực lượng tại chỗ, Đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện nước trong khu vực hầm bị sập đang dâng cao và mục tiêu chính lúc này là phải tìm mọi cách hút nước ra. Tại vị trí hầm sập có cả ngàn mét khối đất đá với độ sâu 35 mét.

Cũng theo ông Thạo, địa hình quả đồi có đường hầm qua khá phức tạp, đào đến đâu đá “mồ côi” rơi đến đó buộc phải sử dụng phương pháp vừa đào vừa chống đỡ nên rất mất thời gian. Lực lượng vẫn đang loay hoay tìm phương án giải cứu các nạn nhân.

Lực lượng đã thống nhất phương án khoan từ 2 phía hướng váo khu vực hầm sập, với điều kiện khoan thuận lợi, thời gian nhanh nhất cũng hơn 1 ngày nữa chúng tôi mới tiếp cận được các nạn nhân”, ông Thạo cho hay.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bàn bạc phương án cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Báo Lâm Đồng


- 13h15': Khu vực các nạn nhân mắc kẹt đang diễn biến phức tạp khi nước đã dâng cao gần 1m. Nhiệm vụ tối quan trọng lúc này được đặt ra là phải nhanh chóng thoát bớt nước ra ngoài. 

Lúc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại hiện trường.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Ban Chỉ huy Cứu hộ đã nhanh chóng báo cáo tình hình hiện tại của các nạn nhân và tiến triển cứu hộ. Theo đó, các nạn nhân vẫn liên tục được tiếp tế thức ăn, nước và không khí để cầm cự, sức khỏe vẫn ổn định.

Việc dựng hầm và khoan rút nước vẫn đang được thực hiện rất khẩn trương, máy khoan đang khoan vào bên trong để cho nước rút ra một cách nhanh nhất vào chiều nay.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Bằng mọi cách phải cứu được 12 nạn nhân an toàn thoát ra ngoài, đây là ưu tiên hàng đầu và khẩn trương. Sau đó, sẽ nhanh chóng điều tra làm rõ các nguyên nhân dẫn đến sự cố sập hầm. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu tạm dừng thi công công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo cho đến khi UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý và có văn bản gửi đến Bộ về tình hình đảm bảo an toàn trong xây dựng thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo.

- 12h30': Theo PV Báo Lâm Đồng, trong khi lực lượng cứu hộ đang tích cực đào đất để nhanh chóng đưa 12 công nhân ra ngoài thì ngay trên đỉnh quả đồi, cách nơi xảy ra sự cố sập hầm khoảng 70m xuất hiện 2 hố do sụt lún.

Một số người dân khu vực này cho biết, hố này đã xuất hiện khá lâu nhưng mấy ngày gần đây trời mưa khiến hố sạt lở mạnh và nước có thể theo đó thấm xuống dưới.

Hố trên đỉnh đồi được phủ bạt. Ảnh: VnExpress


Thượng tá Phạm Phú Ty - Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, cho biết: Qua khảo sát thực địa, 2 hố có đường kính 15m x 4m, chiều sâu khoảng 10m, 2 hố này cách nhau khoảng 9m.

Theo đánh giá của ông Ty thì đây có thể là một trong những nguyên nhân gây sụp hầm và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Thời điểm hầm thủy điện Đa Dâng sập qua lời một công nhân

(HNMO) - Trong giây phút đường hầm dẫn nước vào nhà máy đổ sập, anh Quân tức tốc chạy vào vì biết em trai mình đang còn ở bên trong.


Nước trong hầm đang lên. Ảnh: Người lao động


- 11h10':VnExpress đưa tin, hiện nước ở vị trí đào ngập khoảng 25 cm. Nếu tiếp tục khoan đào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sập hầm tiếp. "Vì vậy, bây giờ cần đưa máy bơm và hút nước ra ngoài", một nhân viên cứu hộ nói.

- 10h00': PV Hànộimới tại hiện trường cho biết, sau cuộc họp nhanh tại hiện trường các đơn vị phối hợp đã quyết định tiến hành khoan song song 2 hướng, hướng từ đường hầm dẫn đường dẫn nước vào nhà máy và ngược lại. Mục tiêu chính hiện nay là sớm đưa mũi khoan tới khu vực hầm bị sập để rút nước ra càng nhanh càng tốt.

Theo thông tin từ đại diện Công ty Sông Đà cho biết, phương án này là tối ưu. Tuy nhiên vẫn chưa thể nói trước được thời gian tiếp cận nơi nhóm công nhân gặp nạn vì địa chất quả đồi này khá yếu, đào tới đâu đất lại bị sụt lún.

Qua trò chuyện với những nạn nhân đang bị mắc kẹt được biết, hiện nước trong hầm đã dâng lên đến ngang hông, nguy hiểm đến tính mạng.

Nước trong hầm đang dâng lên. Ảnh: VnExpress


Theo PV Báo Lâm Đồng, trước tình trạng nước bên trong không ngừng dâng lên, ống thông hơi bị tắc và ẩm nên 12 công nhân đang mắc kẹt có thể sẽ bị ngạt nước, ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng họp bàn tìm giải pháp mới.

Ông Trần Ngọc Lan - Chủ tịch công ty CP Sông Đà 10 cho biết: Phương án bây giờ được thống nhất là vừa đào hầm cho người thoát ra vừa khoan thoát nước ra ngoài.

- 9h30': Trao đổi với Hànộimới về phương án nên khoan từ trên đồi xuống khu vực hầm bị sập, đại tá Trần Đình Thư - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua họp bàn chúng tôi thấy phương án này rất mất thời gian, để càng lâu tính mạng 12 công nhân càng bị đe dọa.

- 9h15': Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đến hiện trường chỉ đạo việc cứu hộ. Ông Tiến chia sẻ những khó khăn vất vả của lực lượng như công binh, công an, các công nhân. Tuy nhiên, ông lo ngại với thời tiết lạnh giá tại Lâm Đồng như hiện nay nếu kéo dài thời gian sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của các công nhân bị kẹt. Việc cứu nạn phải đảm bảo an toàn, phải nghiên cứu tìm phương án tối ưu.

Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.


Theo thông tin mà Hànộimới có được, trưa nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Xây dựng sẽ có mặt tại hiện trường.

- 9h00': Cháo gà và sữa vẫn đang được tiếp tế cho nhóm công nhân bị kẹt theo đường thông oxy. Lực lượng cứu hộ vẫn trao đổi được với các nạn nhân và họ đang dần kiệt sức.

- 7h45': Lực lượng công binh đang cưa xẻ gỗ để đưa vào bên trong hầm kè đất đá. 

Lực lượng công binh đang cưa xẻ gỗ để đưa vào bên trong hầm kè đất đá.

Bộ đội công binh bàn phương án tối ưu để xử lý vụ việc.

Phòng y tế ứng cứu để khi đưa công nhân ra ngoài được lập.

Danh sách 12 nạn nhân vụ sập hầm Đạ Dâng:

1. Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, quê Hà Tĩnh)
2. Phạm Xuân Đăng (SN 1964, quê Vĩnh Phúc)
3. Nhỡ Văn Tường (SN 1986, quê Hà Nam)
4. Hoàng Tiến Đoàn (SN 1989, quê Nam Định)
5. Hoàng Anh Văn (SN 1980, quê Nam Định)
6. Phạm Viết Lành (SN 1994, quê Nghệ An)
7. Phạm Viết Nam (SN 1973, Nghệ An)
8. Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988,quê Nghệ An)
9. Trương Tuấn Việt (SN 1984, quê Hà Nội)
10. Hoàng Đình Hường (SN 1984, quê Nam Định)
11. Hoàng Đình Thịnh (SN 1986, quê Nam Định)
12. Nguyễn Văn Quang (SN 1995, quê Hà Tĩnh)

Thanh Tàu - HNMO