Cuộc giao tiếp đặc biệt trong đường hầm bị sập
Đời sống - Ngày đăng : 08:43, 17/12/2014
Công nhân tiếp ứng sữa vào cho các nạn nhân trong đêm khuya 16/12. Ảnh: Phước Tuấn |
Suốt đêm 17/12, việc cứu hộ nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo tại tỉnh Lâm Đồng vẫn diễn ra rất khẩn trương. Hơn 12 tiếng sau sự cố, mũi khoan đã xuyên thủng qua đống bùn nhão, betông sắt thép vào bên trong.
Áp miệng vào đường ống nhỏ, những người cứu hộ liên tục hét to: "Mọi người ơi! Có ai nghe thấy gì không?". "Yên lặng quá", một công nhân tham gia cứu hộ quay ra thông báo sau khi chờ đợi một lúc không thấy động tĩnh gì. Bất ngờ: "Chúng tôi an toàn, chúng tôi an toàn", giọng một thanh niên từ bên trong vọng ra khiến những người ở ngoài nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy nhau.
"Chúng tôi đói lắm", giọng nói bên trong tiếp tục vang ra. Cả trăm người nháo nhào khi thông tin nhanh chóng được báo ra ngoài cửa hầm, nhiều người ôm mặt ngỡ ngàng.
Hàng loạt phương án được ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn đưa ra. Trong khi lực lượng cứu hộ vẫn không ngừng khoan gia cố đường hầm, một nhóm công nhân được lệnh mang sữa, nước gừng và các thức ăn loại nhỏ vào bên trong. Đường ống nhỏ lúc này trở thành công cụ để truyền oxy, thức ăn và cả giao tiếp của các nạn nhân với thế giới bên ngoài.
Trong đường hầm đầy nước dài khoảng 500, gần chục người cùng dâng cao ống chuyền thức ăn. Sữa được đưa vào trước để 12 nạn nhân uống cầm sức. "Nhận được chưa, các anh chị nhận sữa được chưa?". Mọi động tác lúc này đều được thực hiện từ từ, tỉ mỉ. Nước gừng và cháo gà xay nhuyễn cũng được chuyển vào trong cho các nạn nhân bằng cách này.
Anh Tăng (bìa trái) kể lại cuộc trò chuyện ngắn ngủi của mình với nạn nhân qua ống dây. Ảnh: Phước Tuấn |
Tiếp đó, nam thanh niên cứu hộ sau một lúc đẩy dây xúc xích vào ống, hô to "trong đó lấy được chưa, ngoài này tụi em không thấy gì hết" rồi áp tai vào ống chờ nghe phản hồi. Cứ mỗi lần trục trặc, anh này lại kéo thức ăn ra rồi lại chầm chậm đưa vào. Những động tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Cứ thế, thông tin về tình trạng oxy, mực nước... bên trong hầm đều thông qua ống sắt này. Tiếng động của những động cơ máy móc hoạt động liên tục vang vọng trong hầm cản trở rất nhiều đến cuộc giao tiếp đặc biệt này.
Ngồi mệt lả ngoài cửa hầm gặm vội chiếc bánh mì khi được đồng nghiệp thay ca khoan đường hầm, anh Trần Nhân Tăng cho biết là công nhân Công ty Sông Đà 505 nhưng làm cách hiện trường xảy ra tai nạn một quả đồi. Sáng qua nghe tin sập hầm, tất cả anh em đều chạy qua đây với hy vọng đồng nghiệp đều chạy thoát nhưng ai cũng bàng hoàng khi hay tin có đến hơn chục người bị mắc kẹt bên trong.
"Nhìn đống đất đá, bùn nhão chặn kín miệng hầm, chúng tôi quặn thắt lòng vì không biết những đồng nghiệp của mình còn sống hay không. Giờ hay tin mọi người bình yên thì quên hết mệt mỏi", anh Tăng nói.
"Hồi hộp, căng thẳng, dù chặng đường đào đất để giải thoát cho 12 người còn gian nan nhưng nghe được giọng những người bên trong là niềm vui quá lớn với chúng tôi rồi", một công nhân ngồi cạnh anh Tăng, chia sẻ.
Đêm rừng mưa lạnh cắt da, người người túc trực, thay phiên nhau. Hằng trăm ánh mắt vẫn tiếp tục hướng vào cửa hầm mong chờ thông tin từ những nạn nhân bước ra từ cõi chết.
"Giây phút được tin 12 công nhân của mình còn sống tôi lặng người vì hạnh phúc. Cả đời tôi chưa có niềm vui nào như tối nay, đúng là phép màu", ông Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trình Công ty Sông Đà 505, nói.