Nhiều phát hiện thú vị về Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 06:20, 17/12/2014
Rõ dần không gian kiến trúc, văn hóa các triều đại
Nếu như những lần khảo cổ trước, các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các triều đại đóng đô ở kinh thành Thăng Long mới là giả thiết hoặc mới được nhận diện bước đầu thì trong đợt khai quật năm 2014, nhiều vấn đề đã được khẳng định, làm rõ.
Nhiều lớp văn hóa chồng xếp lên nhau tại khu vực điện Kính Thiên đã được phát lộ trong đợt khảo cổ năm 2014 |
Là người trực tiếp tham gia vào công tác khảo cổ, PGS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Trên diện tích khai quật gần 1.000m2, các nhà khoa học đã phát hiện khu vực chính điện Kính Thiên có các lớp văn hóa thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn chồng xếp lên nhau, đan xen với nhau, thậm chí cắt phá lẫn nhau. Dấu tích văn hóa thời Lý, Trần tiếp tục được làm rõ thông qua việc phát hiện đường nước lớn, kiên cố cùng với tường, móng kiến trúc và nền sân gạch. Thời Lê sơ có dấu tích kiến trúc 4 hàng cột, móng tường bao rộng, kéo dài và nhiều mảng gạch vuông rất lớn được lát trên nền đất sét vàng; thời Lê Trung hưng cũng có nhiều móng kiến trúc lớn với 4 gian, 1 chái, còn thời Nguyễn được nhận diện thông qua dấu tích móng trụ giống với kiến trúc trên bản đồ thời Nguyễn (1821-1831) về Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, trên nền kiến trúc thời Lê Trung hưng, các nhà khoa học còn phát hiện thấy đường nước thời Trần nằm đè lên móng sỏi thời Lý. Điều đó làm cho dấu tích thời Trần vốn đã khó lý giải càng khó lý giải hơn. Trong đợt thám sát này, nhiều di vật bằng sành, gốm sứ, ngói men xanh, men vàng… cũng đã phát lộ.
Căn cứ vào kết quả thu được, PGS Tống Trung Tín cho rằng, dấu tích sân Đại Triều trước đây được phỏng đoán là có từ thời Lê sơ, nay có thể khẳng định chắc chắn có từ thời Lê Trung hưng. Các sân trong khu vực Hoàng thành Thăng Long đã được phát hiện tưởng là giống nhau nhưng thực ra rất khác nhau, gạch lát sân điện Kính Thiên chủ yếu có màu đỏ, sân Đoan Môn chủ yếu có màu nâu. Đường nước thời Lý làm theo hướng đông - tây - bắc - nam rõ ràng, còn đường nước thời Trần chưa thể xác định rõ. Kiến trúc thời Lý là kiến trúc 3 hàng cột theo tính chất hành lang, có nhiều nét tương ứng với đường nước lớn, tạo thành kiến trúc bao quanh. Vì thế, không gian văn hóa, kiến trúc thời Lý đã khá rõ, còn kiến trúc thời Lê và Lê Trung hưng có sự chồng xếp, tiếp nối nhau suốt 400 năm. "Đây là nhận thức rất mới của các nhà khoa học trong các đợt khảo cổ ở di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Điều chúng tôi còn băn khoăn là tổ chức không gian thời Trần vẫn chưa thể làm rõ", ông Tống Trung Tín nhấn mạnh.
Những phán đoán trên đây được các nhà khoa học đồng tình, đồng nghĩa với việc các lớp văn hóa ẩn chứa dưới lòng di sản Hoàng thành Thăng Long nhiều thế kỷ đang từng bước được bóc tách, làm rõ.
Kiến nghị mở rộng diện tích khảo cổ
Kết quả thu được trong các đợt khảo cổ từ trước đến nay tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là không thể phủ nhận, nhưng so với những giá trị còn ẩn chứa dưới lòng đất, thì diện tích khảo cổ khoảng 1.000m2 mỗi năm chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì thế, các nhà khoa học thống nhất kiến nghị các ngành chức năng mở rộng diện tích khảo cổ trong những năm tới.
TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) đặt câu hỏi: "Hiện chúng ta đã có thể phân biệt rõ kích thước, kỹ thuật, màu sắc của các viên gạch từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Móng trụ cũng vậy, móng trụ thời Lý tinh tế, đầm chặt, nhiều sỏi, thời Lê sơ móng to hơn nhưng mỏng, thời Lê Trung hưng móng vừa to, vừa dày… Vậy tại sao chúng ta không mở rộng diện tích khai quật khảo cổ để có thể nhận diện rõ hơn các lớp văn hóa ẩn chứa dưới lòng đất?". Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Hoàng Văn Khoán (nguyên cán bộ Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) gợi ý, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nên mở rộng diện tích khai quật ở khu vực nhà Cục Tác chiến; còn GS Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển) cho rằng, khi tiến hành khảo cổ, các nhà khoa học nên đào đến tầng sinh thổ để kết quả phát lộ được chính xác, khách quan, tránh mang tính phỏng đoán, giả thiết.
Dưới góc nhìn lịch sử, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhận định: "Điều chúng ta mong muốn thu được trong các đợt khai quật không đơn giản chỉ là bóc tách các tầng văn hóa, mà quan trọng hơn là tìm ra "đáp án" cho câu hỏi trung tâm Cấm thành Thăng Long ở đâu để làm rõ mối tương quan giữa trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và khu 18 Hoàng Diệu, tiến tới nhận thức toàn diện, tổng thể, cụ thể về cấu trúc của trung tâm Hoàng thành". Để làm được điều đó, GS Phan Huy Lê cho rằng, việc khai quật khảo cổ mở rộng diện tích khai quật là cần thiết, nhưng quá trình, phương pháp khai quật cần có sự gắn kết với các ngành khoa học khác (lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên) để làm rõ hơn những kết quả thu được.
Trước kiến nghị mở rộng diện tích khảo cổ, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trung tâm đã xây dựng "Đề án nghiên cứu, khôi phục không gian điện Kính Thiên" trình UBND TP Hà Nội xem xét. Trong đề án này, trung tâm đề nghị thành phố cho phép mỗi năm tiến hành khai quật trên 5.000m2. Trung tâm cũng sẽ có những đánh giá chân thực, khách quan những việc đã làm được, chưa làm được vào dịp kỷ niệm 5 năm Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1/8/2010 - 1/8/2015) để có những định hướng đúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.