Cảnh báo nguy cơ bất ổn

Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 17/12/2014

(HNM) - Hàng triệu trái tim người dân Australia cũng như cộng đồng quốc tế vừa trải qua những giây phút nghẹt thở khi dõi theo vụ bắt cóc con tin (lúc 9h45 ngày 15-12) trong quán cà phê Lindt Chocolat, trên phố Martin Place ở trung tâm thành phố Sydney.


Vụ bắt cóc con tin gây chấn động thế giới đã kết thúc sau 16 giờ đấu trí của lực lượng cảnh sát Australia với tay súng bắt cóc con tin người gốc Iran 50 tuổi. Thế nhưng, nguy cơ bất ổn về an ninh - đặc biệt từ khi Australia tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu - đã hiện hữu rõ ràng và đặt ra cho chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott thách thức to lớn.

Con tin trong vụ bắt cóc tại Sydney được đưa ra khỏi hiện trường sau cuộc giải cứu.



Với các cơ quan chức năng của Australia, tên tuổi của Man Haron Monis - một phần tử cực đoan cuồng tín thực hiện vụ bắt cóc táo tợn - từ lâu đã không còn xa lạ. Nhưng, sự kiện một tay súng thực hiện vụ bắt cóc gần 20 con tin trong một quán cà phê ở ngay trung tâm Sydney giữa ban ngày là điều khiến dư luận hết sức quan ngại. Như khẳng định của Thủ tướng T.Abbott tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi chiến dịch giải cứu con tin kết thúc, M.H.Monis đã nằm trong danh sách theo dõi của nhà chức trách Australia từ lâu với nhiều tiền án, tiền sự phạm tội.

Là người gốc Iran và được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Australia năm 1996, M.H.Monis từng bị buộc tội tòng phạm trong một vụ giết người năm ngoái và được bảo lãnh tại ngoại. Không những thế, hắn còn bị cáo buộc là thủ phạm của hàng chục vụ tấn công tình dục. Năm 2012, y đã bị kết tội về hành động gửi thư có nội dung thù địch tới gia đình các binh sĩ Australia tử trận tại Afghanistan. Chưa hết, M.H.Monis còn thường tự xưng là một thủ lĩnh Hồi giáo thực hiện vai trò của "người hàn gắn tinh thần". Vì thế, hắn thường đăng tải trên website cá nhân các hình ảnh về chiến tranh và cáo buộc các cuộc không kích của Mỹ và Australia đang gây ra thảm cảnh. Dù chưa thể khẳng định vụ bắt cóc con tin mang động cơ chính trị nhằm đáp trả cuộc chiến chống IS tự xưng mà Australia đang hợp tác với Mỹ cũng như các đồng minh nhưng những gì mà M.H.Monis thể hiện cho thấy, nguy cơ bất ổn an ninh không chỉ nhằm vào Mỹ - nước đi đầu trong cuộc chiến chống IS - mà giờ đã lan rộng sang cả khu vực Châu Á, trong đó có Australia.

Vụ bắt cóc con tin vừa kết thúc bằng một thảm kịch tại xứ Chuột túi chỉ là một trong hàng loạt mối đe dọa khủng bố từ làn sóng công dân gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan mà chính phủ nước này phải đối mặt thời gian qua. Theo ước tính của chính phủ Australia, hiện có khoảng 60 công dân nước này đang tham chiến cùng phiến quân IS tại Trung Đông và 100 đối tượng khác đang tích cực hỗ trợ hoạt động này từ trong nước. Đó là lý do vì sao chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott - lần đầu tiên trong một thập kỷ qua - vừa phải nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố từ trung bình (có khả năng xảy ra tấn công khủng bố) lên mức cao (tức là tấn công đã xảy ra hoặc sắp xảy ra).

Để hỗ trợ quân đội trong các hoạt động quân sự chống IS tự xưng ở Trung Đông, đầu tháng 12 vừa qua, Hạ viện Australia đã thông qua một số điều khoản sửa đổi trong Luật Chống khủng bố, theo đó trao thêm quyền cho lực lượng tình báo nước này. Quy định mới cho phép Cơ quan Tình báo Australia (ASIS) hỗ trợ kịp thời lực lượng quốc phòng Australia trong các chiến dịch quân sự mà không cần chờ sự chấp thuận của nhà chức trách. Các quyền này sẽ có hiệu lực trong vòng 48 giờ và được áp dụng trong trường hợp "khẩn cấp đặc biệt".

Nằm trong "top 10" quốc gia đáng sống nhất thế giới, với các điều kiện an ninh luôn được bảo đảm, nhưng Australia giờ đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh ngày một lan rộng. Nhận định trên xem ra có cơ sở vì chưa đầy 24 giờ sau khi kết thúc vụ giải cứu con tin tại Sydney, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ở thủ đô Canberra đã sơ tán nhân viên sau khi phát hiện một bưu kiện khả nghi ở khu vực căng tin của tòa nhà.

Đình Hiệp