Vẫn là chuyện minh bạch thông tin!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 17/12/2014
Cụ thể là tính đến nay, cả nước phát sinh gần 82.000 đơn khiếu nại, trong đó có 36.452 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, nội dung khiếu nại hành chính chủ yếu là về lĩnh vực đất đai chiếm 68,2% số đơn khiếu nại.
Không khó để nhận thấy, việc tiếp cận thông tin về đất đai trong nhiều năm qua luôn là một lĩnh vực làm "đau đầu" không chỉ người dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp. Thời bất động sản "thăng hoa", quy hoạch đất đai luôn là những thông tin đắt giá, được nhiều người săn đón (và cũng không dễ săn đón) vì nó có thể mang lại những lợi ích tức thời. Trong đó, thấy rõ một bộ phận "thạo tin" hoặc có quyền cung cấp thông tin về đất đai đã giàu lên một cách nhanh chóng. Điều đó cũng đồng thời giải thích cho nguyên nhân vì sao trong nhiều năm, ở những đô thị lớn, chỉ số tiếp cận đất đai hầu như là hạn chế lớn nhất trong Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngay cả thời điểm bất động sản "nguội lạnh", kinh tế chưa hồi phục như hiện nay, những thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai cũng chưa bao giờ hết "hấp dẫn". Trong khi đó, về phía người nông dân - đối tượng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những chính sách về đất đai - khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì những vấn đề đặt ra phía sau cuộc sống của họ còn kéo dài nhiều năm.
Thực ra, những thông tin trên đều không mới và nguyên nhân chính của tình trạng này đều đã được các cơ quan quản lý chỉ ra từ trước, trong đó đáng chú ý là những chính sách về đất đai còn nhiều bất cập. Đó là các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những trường hợp mới, nhưng lại phát sinh một số trường hợp bị thu hồi những năm trước dẫn đến sự so bì, phát sinh khiếu nại. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch, không tôn trọng ý kiến, lợi ích chính đáng của người dân khi xử lý các mối quan hệ giữa Nhà nước - công dân - doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đáng ngại nhất là tình trạng thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin về đất đai ở cấp xã, phường, được cho là "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay.
Để khắc phục bất cập trên, Luật Đất đai 2013 đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự giám sát, đánh giá của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân trong việc quản lý và sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất cũng được đề cập cụ thể hơn... Rõ ràng, những quy định khung nhằm hạn chế tối đa sự trục lợi, những bất cập đã và đang hiện hữu, ở góc độ nào đó ảnh hưởng nhiều đến trật tự trị an, an sinh xã hội tầm địa phương, quốc gia đã dần được "gọi tên" và có hướng khắc phục.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu để chính sách đó đi vào cuộc sống vẫn có "đáp án" chung là ý thức, thái độ của những cơ quan, cá nhân được Nhà nước giao quyền, phân cấp quản lý về đất đai "ứng xử" trong vấn đề này ra sao. Điều đó đòi hỏi từ trung ương đến địa phương tiếp tục phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai, trong đó cần quy định mỗi thủ tục hành chính rút ngắn bao nhiêu thời gian so với quy định hiện hành và có lộ trình thực hiện rõ ràng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tích cực cho công tác quản lý và sử dụng, công bố công khai, minh bạch thông tin về đất đai đến mọi đối tượng có nhu cầu. Ngoài ra, cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của công chức, chuyển từ "mệnh lệnh hành chính" sang "phục vụ và hướng dẫn" nhằm từng bước đem đến sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại các cơ quan công quyền.