Cần sự chung tay của hệ thống chính trị
Đời sống - Ngày đăng : 17:06, 15/12/2014
Bà Vinh cho biết, việc các con trai bà đi làm việc tại Hàn Quốc mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây, bà chưa hiểu rõ việc về đúng hạn hay không đúng hạn. Thi thoảng nghe phong thanh trên các phương tiện truyền thông thì cũng hiểu hơn một chút. Và chỉ đến khi được tư vấn của các cán bộ Lao động – TBXH xã Di Trạch và huyện Hoài Đức, bà Vinh mới thực sự hiểu ngọn ngành, thấy rõ sự cần thiết của việc kêu gọi con về nước đúng hạn. Hai người con trai của bà Vinh, người đã đến hạn về nước nhưng đang bị ốm nên đang cố gắng chữa bệnh ổn định sẽ cho con về nước; Người con thứ hai đến năm 2015 sẽ trở về để tiếp tục có cơ hội được trở lại Hàn Quốc làm việc. Không chỉ bà Vinh mà rất nhiều người là bố, mẹ, vợ, chồng hay anh em người đi lao động tại Hàn Quốc đều chưa hiểu biết về các chính sách đầy đủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người dù đã hiểu, đã biết song do một số lý do không vận động được con, em họ trở về như: Mất liên lạc do người lao động bỏ ra ngoài làm, cư trú bất hợp pháp không liên lạc về gia đình… Thậm chí, nhìn thấy cái lợi lớn của việc ra ngoài làm thu nhập cao hơn, cư trú bất hợp pháp vẫn có việc làm hơn là trở về nước.
Ông Nguyễn Tài Tuấn, Phó trưởng Phòng Lao động-TBXH huyện Hoài Đức khẳng định: Tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động (NLĐ) làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn lần này đã mang lại hiệu quả bước đầu”. Cũng theo ông Tuấn, việc tuyên truyền, vận động cần được triển khai nhiều hơn, xuyên suốt cả năm chứ không chỉ trong một hai đợt để NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hiểu biết chính xác và được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Nhà nước đầy đủ, có sự lựa chọn phù hợp.
Hoài Đức với đặc thù có nhiều làng nghề truyền thống phát triển nên số NLĐ đi làm việc tại nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng là không nhiều. Tuy nhiên, năm 2013 trong số NLĐ làm việc tại Hàn Quốc, thì huyện lại tỷ lệ cư trú bất hợp pháp chiếm tới 40,82%, đứng thứ 17 toàn Thành phố. Nhờ có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tích cực mà năm 2014 tỷ lệ này giảm xuống còn 33,3% và hứa hẹn năm 2015 sẽ tiếp tục được giảm.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Tuấn khẳng định, mặc dù kết quả chưa cao song cũng phản ánh và ghi nhận sự cố gắng tham gia vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị của Hoài Đức từ huyện đến cơ sở. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng Lao động – TBXH tham mưu ra các văn bản như: Văn bản số 61/CV-LĐTBXH ngày 28-3-2014 về việc tuyên truyền một số chính sách lao động năm 2014; kế hoạch số 84/KH-UBND về việc vận động người lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn… UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là xã, thị trấn có nhiều NLĐ làm việc tại Hàn Quốc (Dương Liễu, Cát Quế…) nghiêm túc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động gia đình NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc cam kết động viên người thân của mình về nước và về nước đúng hạn.
Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể, Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TN CSHCM… cũng tích cực phối hợp tổ chức hội nghị nhân dân tại địa bàn trọng điểm. Đài truyền thanh huyện đưa tin, bài viết về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng như việc về nước đúng hạn hợp đồng.
Từ nỗ lực đồng bộ đó đã tuyên truyền sâu, rộng đến từng gia đình nhằm tạo dư luận và nâng cao nhận thức về trách nhiệm của NLĐ đối với đất nước, quan hệ hai nước Việt - Hàn.