Chữa bệnh theo… ”bác sĩ Google”: Rước họa vào thân

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:41, 15/12/2014

(HNM) - Những ngày qua trời trở lạnh, số trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy… phải nhập viện tăng. Tuy nhiên, quá nửa số trẻ nhập viện đã được cha mẹ tự chữa trị trước khi đưa đến bác sĩ. Nhiều người tự ý cho con uống một hay nhiều loại thuốc theo sự tư vấn của nhân viên các cửa hàng

Có thể mất mạng do tự ý dùng thuốc

Thời tiết chuyển lạnh nhanh chóng ảnh hưởng tới trẻ em - đối tượng vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nhất là những trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh. Những ngày qua, số trẻ bị các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy… được đưa đến viện Nhi trung ương, khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Việt Nam - Cu ba… gia tăng, có khi chiếm tới 70-80% tổng số bệnh nhi. Trong số đó có không ít trường hợp được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, do các bậc phụ huynh chủ quan, tự điều trị cho con dù không có chuyên môn y tế.

Khi trẻ ốm, cần đưa đến bệnh viện khám và chữa theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Bá Hoạt



Mới đây, khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do hen dị ứng. Trước đó 1 tuần, thấy con có triệu chứng ho, mệt, mẹ bé đã lên mạng tìm hiểu về bệnh của con và nhận được nhiều lời khuyên về cách chữa trị - chủ yếu từ kinh nghiệm của các bà mẹ chung diễn đàn. Sau một lần tự ý cho con uống thuốc, bất ngờ bé ho dữ dội, người tím tái, khó thở…, lúc đó cả nhà mới đưa bé vào BV. Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, hễ cứ thấy con có biểu hiệu ho là các bậc phụ huynh nghĩ ngay đến viêm họng, viêm phế quản… Coi đó là bệnh thông thường, nhiều cha mẹ đến các cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn rồi mua các loại thuốc ho, long đờm, thậm chí là kháng sinh cho con uống. Trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ mách nhau cách chữa trị khi con gặp triệu chứng này, biểu hiện kia mà không biết được rằng cơ thể mỗi trẻ có sự khác nhau, mức độ bệnh cũng khác nhau… nên không thể áp dụng phương pháp điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong thời tiết giá lạnh hiện nay, quan trọng nhất là cha mẹ phải tìm cách giữ ấm cơ thể và bổ sung hợp lý các loại dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu ốm, cần đưa con tới BV để khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với trẻ bị viêm đường hô hấp, sổ mũi, việc vệ sinh mũi hằng ngày rất quan trọng nhưng phải làm đúng cách; tuyệt đối không được sử dụng thuốc bừa bãi, nhất là các loại thuốc kháng sinh.

Trường hợp nói trên không phải cá biệt. Trước đó, bé N.T.N.Q (14 tuổi, ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) suýt tử vong sau khi cha mẹ tự ý mua thuốc về cho con uống để điều trị chứng sốt, ho, sổ mũi. Chỉ sau 6 giờ uống thuốc, bé bị nổi hồng ban đỏ khắp cơ thể, sốt cao, lở loét niêm mạc môi miệng, kết mạc mắt... Do diễn biến bệnh nặng và nhanh nên bệnh nhi được chuyển từ BV tuyến cơ sở đến BV Nhi Đồng 1. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán N.T.N.Q bị hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc. Mất gần tháng điều trị tích cực, tình trạng dị ứng của bệnh nhân mới dần được cải thiện...

Theo các bác sĩ nhi khoa, hiện nay, việc tra cứu thông tin trên mạng quá đơn giản, dễ dàng. Chỉ cần vào Google, điền thông tin cần tra cứu là đã có hàng loạt chỉ dẫn về đủ thứ bệnh. Nhiều ông bố, bà mẹ, vì quá tin vào thông tin trên mạng nên để lỡ thời cơ chữa bệnh cho con em hoặc cho trẻ dùng sai thuốc. Trong thực tế, nguy cơ không chỉ đến từ "bác sĩ Google", mà còn tới từ các "chuyên gia y tế"… chuyên việc bán thuốc. Các "chuyên gia" có thể "phán" đủ điều, không loại trừ trường hợp "kê đơn" vì mục tiêu bán được càng nhiều thuốc đắt tiền càng tốt. Có bệnh thì "vái tứ phương", các bậc phụ huynh không hiểu được rằng ngay cả những loại thuốc bổ, vitamin hay dịch truyền, tưởng đơn giản nhưng nếu sử dụng không đúng cách cũng trở nên nguy hiểm cho con mình.

Siết chặt công tác quản lý


Kết quả khảo sát mới đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người từng mua thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Khi bị ốm, sốt, nhiều người bệnh nghĩ đó là do nhiễm trùng, chỉ cần uống kháng sinh là có thể khỏi bệnh. Chính vì vậy, hiện tượng phổ biến hiện nay là người bệnh tự đoán bệnh và tự ý đi mua thuốc về uống. Kết quả khảo sát cũng cho thấy lượng thuốc kháng sinh chiếm tới ¼ số thuốc bán ra mỗi ngày tại các cửa hàng. Điều đáng nói là việc mua, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ đang gây ra nhiều hệ lụy như tính mạng của người bệnh bị đe dọa, việc điều trị kéo dài và tốn kém, nguy hiểm hơn là việc không ít dịch bệnh sẽ hình thành do chứng kháng thuốc kháng sinh gây ra.

Theo quy định của Bộ Y tế, các cửa hàng thuốc tư nhân chỉ được bán thuốc trong danh mục kê đơn của Bộ Y tế khi có đơn của bác sĩ. Thế nhưng, trên thực tế, việc mua - bán thuốc tại Việt Nam diễn ra khá tự do, không khác nào mua rau ngoài chợ. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, qua các đợt thanh - kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhà thuốc không đủ điều kiện bảo quản thuốc, không có hồ sơ của nhân viên bán hàng, không mở sổ sách theo dõi hoạt động mua bán thuốc, kinh doanh thuốc khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc hoạt động...

Những hệ lụy từ việc người dân tự ý mua thuốc chữa bệnh cho thấy đã đến lúc phải siết chặt công tác quản lý hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, trong khi chờ cơ quan chức năng "ra tay" một cách nghiêm túc, người dân cần tìm cách tự bảo vệ mình. Tối nhất là chấm dứt việc tự ý điều trị theo "bác sĩ Google" hay nhân viên nhà thuốc. Hãy tới BV khi có bệnh để được bác sĩ kê đơn và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Trời lạnh, gia tăng bệnh nhân cao huyết áp
(HNM) - Ngày 14-12, bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, do thời tiết chuyển lạnh, những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp… gia tăng đột biến (tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó). Đa phần bệnh nhân đến khám trong thời điểm thời tiết chuyển lạnh là người già, nhưng cũng trường hợp dưới 30 tuổi đã bị tai biến, liệt người. Bác sĩ Đồng Văn Thành đưa ra lời khuyên: Những người cao tuổi, người có tiền sử tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ, giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, hạn chế ra ngoài. Nếu thấy người nôn nao khó chịu thì cần nghỉ ngơi, tránh gắng sức.

Trang Thu

Thu Trang