Việt Nam là trọng tâm ưu tiên

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:54, 14/12/2014

(HNM) - Từ ngày 7 đến 10-12 vừa qua, nghệ sĩ thiết kế đồ họa máy tính, Đại sứ giao lưu văn hóa của Nhật Bản Hayashida Hiroyuki có chuyến thăm, giao lưu tại Việt Nam.

Ông Hayashida Hiroyuki giao lưu với sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.


- Được biết đây là lần đầu tiên ông đặt chân đến Hà Nội. Cảm nhận ban đầu của ông về đất nước, con người Việt Nam là gì?

- Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, đặc biệt với tư cách Đại sứ giao lưu văn hóa của Nhật Bản năm 2014, do Tổng cục Văn hóa Nhật Bản bổ nhiệm. Với sứ mệnh của mình, tôi được chọn những quốc gia muốn đến. Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á là trọng tâm ưu tiên của Nhật Bản trong chiến lược đẩy mạnh quảng bá văn hóa ra thế giới. Nhiệm vụ quan trọng của tôi là quảng bá văn hóa Nhật Bản ra thế giới và tiếp thu những nét đặc sắc của văn hóa thế giới để giới thiệu về Nhật Bản.

- Vì sao ông lại chọn Việt Nam chứ không phải một quốc gia nào khác trong khu vực để giao lưu, trao đổi văn hóa?

- Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có chuyến giao lưu văn hóa tại Trung Đông. Về mặt địa lý, Việt Nam gần Nhật Bản hơn Trung Đông rất nhiều. Song điều quan trọng hơn khiến tôi chọn Việt Nam là vì, Việt Nam là trọng tâm ưu tiên của Nhật Bản trong khu vực để “xuất khẩu” văn hóa. So với các quốc gia trong khu vực, văn hóa Nhật Bản được quảng bá nhiều hơn tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ.

- Là nghệ sĩ về đồ họa máy tính nổi tiếng ở Nhật Bản, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển trong lĩnh vực này của Việt Nam, sau khi đã có các cuộc giao lưu với sinh viên, giáo viên đồ họa tại Hà Nội?

- Lần đầu sang Việt Nam nên tôi chưa có cảm nhận nhiều về lĩnh vực này. Qua giao lưu với sinh viên, giáo viên chuyên ngành đồ họa của Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, tôi thấy Việt Nam đã cập nhật rất nhanh về công nghệ trong thiết kế đồ họa. Theo tôi, nhiều sinh viên Việt Nam có năng lực hơn sinh viên Nhật Bản. Thế nhưng, điểm yếu của Việt Nam là chưa tạo được dấu ấn riêng trong các sản phẩm của mình. Vì thế, khi tiếp xúc với sinh viên tôi khuyên họ rằng việc làm chủ công nghệ hiện đại rất quan trọng, giúp các bạn thể hiện được ý tưởng của mình. Song, để tạo ra những sản phẩm quảng bá ra thế giới thì phải có bản sắc riêng. Điều này cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều.

- Cùng với quảng bá văn hóa Nhật Bản ra thế giới, nhiệm vụ quan trọng nữa của Đại sứ giao lưu văn hóa là tiếp thu những nét độc đáo trong văn hóa của các nước. Vậy ấn tượng lớn nhất của ông là gì sau chuyến giao lưu văn hóa tại Việt Nam lần này?

- Lần đầu đến Việt Nam nên mọi thứ với tôi đều mới lạ. Thoạt đầu tôi tưởng Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm giống nhau, nhưng thực tế lại rất khác, từ cảnh vật đến con người, đời sống văn hóa... Là một nghệ sĩ nên tôi luôn nhìn mọi thứ dưới con mắt nghệ thuật. Tôi không ấn tượng với những tòa nhà cao tầng hiện đại ở Hà Nội, nhưng lại hấp dẫn bởi những thứ cổ kính, lâu đời. Với tư cách cá nhân, tôi mong các bạn không nên phá đi những gì cổ kính để xây những tòa nhà hiện đại, mà cần phải bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử. Những năm gần đây khi dân số Nhật Bản già đi, người ta có cảm giác bị khủng hoảng về tinh thần. Đó là một trong những lý do khiến Nhật Bản đẩy mạnh quảng bá văn hóa ra thế giới nhằm mời gọi người nước ngoài quan tâm và đến Nhật Bản nhiều hơn. Việt Nam là một trọng tâm ưu tiên đó.

- Xin cảm ơn ông!

Đình Hiệp