Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 về môi trường
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:33, 13/12/2014
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH) . |
Tham dự hội nghị có 10 đoàn đại biểu của Tòa án tối cao các nước ASEAN, trong đó có Chánh án TAND tối cao Việt Nam, Chánh án Tòa án tối cao Indonesia, Chánh án Tòa án tối cao Lào, Phó Chánh án Tòa án tối cao Campuchia, Ủy viên Hội đồng tư pháp Tòa án tối cao Brunei, Ủy viên Hội đồng tư pháp Tòa án tối cao Singapore và các Thẩm phán cấp cao đại diện cho các Tòa án tối cao các nước ASEAN.
Hội nghị cũng có sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế về môi trường và đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam và một số Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán TAND cấp tỉnh có tham gia giải quyết các vụ án về môi trường.
Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN được tổ chức theo sáng kiến của Ngài Harafin Tumba, Chánh án Tòa án tối cao Indonesia và được tổ chức lần đầu tiên tại Jakata, Indonesia tháng 12 năm 2011 với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á. |
Hội nghị là diễn đàn đa phương khu vực của Chánh án các nước ASEAN nhằm khẳng định vai trò và tầm nhìn của Tòa án trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Đồng thời, là diễn đàn để các Chánh án, các thẩm phán tham dự chia sẻ kinh nghiệm xét xử, pháp luật quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như các giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát những thách thức đối với môi trường.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh: Ô nhiễm môi trường và những hậu quả từ sự ô nhiễm môi trường hiện đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong bảo vệ môi trường. Tòa án các nước với chức năng và nhiệm vụ của mình đã và đang khẳng định vai trò của mình trong việc bảo vệ và định hướng hành vi bảo vệ môi trường.
Đối với Việt Nam, Hội nghị bàn tròn lần này diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 có nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng có nhiều quy định mới, là công cụ pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ cho sự phát triển bền vững. Nhận thức rõ trọng trách của mình, hệ thống các TAND Việt Nam đang từng bước nâng cao trình độ và kỹ năng xét xử các vụ án trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, hệ thống các TAND Việt Nam cần không ngừng nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án về môi trường, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội và người dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, đóng góp nhiều hơn trong việc bảo vệ môi trường. Để đạt được kết quả mong muốn, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Tòa án các nước, các chuyên gia....”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Trong 2 ngày làm việc, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi về vấn đề: Sự cân bằng giữa việc đảm bảo quyền lợi của người bản địa với công tác bảo vệ môi trường; vấn đề phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép cũng như các tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây là thực trạng nhức nhối của các quốc gia trong khu vực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sự đa dạng sinh học của khu vực và trên toàn cầu.
Hội nghị cũng tập trung trao đổi về các nội dung: Sự hợp tác giữa Tòa án các quốc gia ASEAN về môi trường, trong đó tập trung thảo luận về Tuyên bố tầm nhìn chung Jakata và Kế hoạch hành động Hà Nội; Hoạt động và sự phát triển của các thể chế về môi trường, tác động của những thể chế này đối với quyền của cộng đồng về môi trường: Tòa án chuyên trách và Nguyên tắc hoạt động; Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và hành pháp trong việc bảo vệ môi trường; đánh giá thiệt hại trong các vụ án môi trường và thảo luận chung về chương hợp tác của các Tòa án ASEAN trong việc bảo vệ môi trường...
Sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của mỗi quốc gia sẽ giúp cho các Tòa án hiểu sâu hơn về kinh nghiệp xét xử, áp dụng pháp luật, phát triển án lệ với các vụ án về môi trường, sự hợp tác của Tòa án các nước ASEAN cũng như những nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc phát triển hệ thống tư pháp để giải quyết tốt các tranh chấp về môi trường và qua đó, ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn cho việc bảo vệ môi trường.