“5 phút với ga xép”
Sách - Ngày đăng : 07:23, 13/12/2014
Với "5 phút với ga xép", Việt Linh, đạo diễn từng giành nhiều giải thưởng với các tác phẩm điện ảnh "Nơi bình yên chim hót"; "Phiên tòa cần chánh án"; "Gánh xiếc rong"... đã cho thấy một góc sâu sắc và nhạy cảm trong con người nghệ sĩ của bà.
Đạo diễn Việt Linh (giữa) trong buổi ra mắt sách |
Sách tập hợp 80 bài viết ngắn gọn - mỗi bài dăm trăm đến hơn một nghìn chữ, chủ yếu trên chuyên mục "5 phút với ga xép" của tạp chí và một số bài viết trên các báo khác. Đúng như Việt Linh đã chia sẻ, bà không có tham vọng "đèo bòng văn chương". Có lẽ vì thế mà bà viết tạp văn với cái nhìn của một người làm điện ảnh và nhất là với phong thái của một người từng trải, nét hóm hỉnh riêng có. Ở đó, bài viết nào cũng vậy, ăm ắp những câu chuyện kể từ trong nước đến nước ngoài, từ người bán cơm từ thiện với lòng tin tự nhiên "người ta nói mình này nọ mà mình không thế là được rồi, không việc gì phải giận", cho đến Tổng thống Pháp Francois Mitterrand với câu nói lừng danh "Hãy để thời gian có thì giờ"... Và đúng như nhận định của một nhà báo, Việt Linh có thể kể ba, bốn, thậm chí năm câu chuyện trong một bài viết ngắn mà đọc xong vẫn thấy chúng kết nối với nhau. Tạp văn của Việt Linh ăm ắp những chuyện là chuyện, chúng được chọn lọc, được "dựng lại" một cách sinh động mà không cần đưa đẩy.
Trong bài "Miễn là ta tự biết", bà kể bốn câu chuyện nhỏ, chuyện nào cũng nhẹ nhàng, cũng rõ rung động của người cầm bút. Người mẹ tỏ ý băn khoăn khi đeo chiếc lắc do con gái tặng để động viên khi bà bị ốm và bị chê là "teen", nhưng cô con gái đã làm bà giật mình: "Thì có sao đâu, miễn là mẹ biết nguồn gốc của sợi dây đó". Cũng như vậy, chuyện bức thư thông báo kết quả học tập do một trường tiểu học ở Anh gửi các học sinh cuối cấp có đoạn "Những điểm số mà em nhận được sẽ nói cho em biết một chút gì đó về em, nhưng chúng không nói lên tất cả những gì thuộc về con người em...".
Những câu chuyện và thông điệp trong "5 phút với ga xép" của Việt Linh đều như vậy, xa hay gần, Đông hay Tây rồi cũng tự nhiên chạm đến cái điều giản dị mà bà muốn nói về lòng tin của con người vào cuộc sống, về ứng xử của ta trước những tình huống tưởng đơn giản, về sự chân thành và tự nhiên trong nghệ thuật, về tình phụ tử và cả những éo le và sự tự vượt thoát trong đời sống tinh thần con người nói chung... Hỏi rằng sao bà có nhiều chuyện để kể thế, Việt Linh chia sẻ về thói quen ghi chép những chuyện hay tình tiết thú vị tình cờ nắm bắt được trong đời sống, và chủ ý nhặt nhạnh, sắp xếp những thông tin, tư liệu đắt giá từ thế giới khổng lồ của công nghệ số để khi cần thì kết nối, xâu chuỗi và kể lại. Nữ đạo diễn nói vui rằng phải cảm ơn những chuyên mục như "5 phút với ga xép" vì đã giúp bà giải phóng khối dồn nén của những buồn vui, trăn trở mà bà để tâm lưu lại suốt hành trình làm nghề của mình...
Còn nữa, giống như trong điện ảnh, ở tạp văn Việt Linh vẫn có cách đặt tên tác phẩm thú vị như "Nợ mình khó trả", "Đưa tay hứng đắng", "Hãy nhớ quanh ta có nỗi buồn", "Cuối năm săm soi hạnh phúc", "Mầm nắng"...
Ở "Dừng chân ở ga xép" của Việt Linh, ta gặp tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ. Dịu dàng đấy mà cũng mạnh mẽ đấy!